Theo Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang, chùa Phú Lâm có từ cách đây gần 800 năm, phản ánh dòng chảy văn hóa, tâm linh bền bỉ của vùng đất xứ Tuyên.
Trong thời kỳ Phật giáo Việt Nam hưng thịnh dưới triều Trần, chùa Phú Lâm từng là trung tâm tín ngưỡng lớn của cư dân địa phương
Chùa Phú Lâm được xây dựng vào thế kỷ 13-14, theo kiến trúc truyền thống, từ cổng tam quan đến các gian thờ tự. Chùa có sự kết hợp giữa kiến trúc đời Trần và kiến trúc chùa Việt đương đại, giao thoa hài hòa cùng văn hóa địa phương để tạo nên nét riêng.
Trong thời kỳ Phật giáo Việt Nam hưng thịnh dưới triều Trần, chùa từng là trung tâm tín ngưỡng lớn của cư dân địa phương.
Trải qua những biến động lịch sử, đến cuối thế kỷ XIX, chùa bị tàn phá, chỉ còn nền móng. Người dân địa phương vẫn kiên trì dựng am nhỏ để duy trì thờ tự, lưu giữ ký ức về một ngôi chùa linh thiêng và gọi thân mật là "Chùa 3 ông Bụt" vì thờ ba pho tượng Phật Tam Thế.
Giữa nhịp sống hiện đại, chùa Phú Lâm tiếp tục là nơi người dân tìm về
Tọa lạc tại phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, chùa Phú Lâm sở hữu vị trí đắc địa giữa thiên nhiên trong lành, tươi đẹp. Được bao bọc bởi những đồi chè trải dài và khí hậu ôn hòa, khuôn viên chùa là một không gian tĩnh tại, phù hợp cho chiêm bái, thiền định.
Hành trình phục dựng: Từ tâm nguyện đến hiện thực
Nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Phú Lâm, từ năm 2005, tỉnh Tuyên Quang đã khoanh vùng bảo vệ di tích. Năm 2016, chùa được công nhận là di tích khảo cổ học cấp tỉnh, mở đường cho công cuộc phục dựng bài bản.
Dưới sự chủ trì của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và Hòa thượng Thích Gia Quang, công trình được khởi công năm 2020. Với thiết kế của Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng sự góp sức của các nghệ nhân tài hoa, chùa Phú Lâm được tái hiện trên nền tảng kiến trúc truyền thống Phật giáo miền Bắc.
Các hạng mục như tam quan, tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, liên hoa đài, vườn tháp, nhà giảng pháp... được phục dựng quy mô, tinh xảo, vừa giữ nguyên linh khí cổ xưa vừa hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên hiện đại.
Chùa Phú Lâm không chỉ là nơi thờ Phật mà còn thể hiện rõ sự giao hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngoài tam bảo thờ Phật, chùa còn có nhà Tổ thờ các vị thiền sư dòng Trúc Lâm, nhà Mẫu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các vị thần linh dân gian.
Chính sự dung hợp ấy đã tạo nên nét độc đáo cho chùa: một không gian tâm linh bao dung, gần gũi, thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc của văn hóa Việt.
Đồng thời, chùa Phú Lâm cũng đóng vai trò trung tâm giáo dục đạo đức, tổ chức thường xuyên các khóa tu mùa hè, lớp học thiền, buổi giảng pháp dành cho thanh thiếu niên để góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ lòng từ bi, nhân ái, trí tuệ.
Động lực cho phát triển du lịch, kinh tế - xã hội
Sự hồi sinh của chùa Phú Lâm mở ra tiềm năng lớn cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng tại thành phố Tuyên Quang.
Chùa Phú Lâm, cùng với hệ thống suối khoáng Mỹ Lâm và các di tích lịch sử cách mạng sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, quảng bá hình ảnh Tuyên Quang.
Đặc biệt, lễ khánh thành chùa Phú Lâm gắn với Đại lễ Phật Đản 2025 mới đây đã thu hút hàng nghìn Phật tử, du khách thập phương, khẳng định sức hút mạnh mẽ của điểm đến tâm linh mới này trong lòng xứ Tuyên.
Lễ khánh thành chùa Phú Lâm gắn với Đại lễ Phật Đản 2025
Sự hồi sinh của chùa Phú Lâm là minh chứng sống động cho tinh thần "uống nước nhớ nguồn", cho chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tôn trọng tự do tín ngưỡng, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Ngôi chùa hôm nay không chỉ nối dài dòng chảy lịch sử tâm linh, mà còn vun đắp những giá trị bền vững về đạo đức, văn hóa, phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Giữa nhịp sống hiện đại, chùa Phú Lâm sẽ tiếp tục là nơi con người tìm về sự an yên, tìm lại những giá trị nhân văn bền vững, vun đắp cho một thành phố Tuyên Quang ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Trung tướng, PGS.TS. Đồng Đại Lộc