Toàn cảnh Hội Thảo
Hội thảo “Xây dựng hệ số phát thải lưới điện Việt Nam năm 2024 và hệ số phát thải phân ngành nhiệt điện than Việt Nam giai đoạn 2020–2024” là một phần trong nhiệm vụ nghiên cứu do Bộ Công Thương giao, nhằm cập nhật hệ số phát thải quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế, phục vụ kiểm kê khí nhà kính và hoạch định chính sách giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực năng lượng – ngành phát thải lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Chuẩn hóa theo quốc tế, hướng đến thị trường carbon nội địa
Tại hội thảo, Viện Năng lượng đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ đã giới thiệu chi tiết phương pháp luận tính toán hệ số phát thải lưới điện theo công cụ TOOL07 (phiên bản 07.0) do Ban điều hành Cơ chế phát triển sạch (CDM Executive Board) ban hành. Công cụ này được quốc tế công nhận và ứng dụng rộng rãi để xác định ba loại hệ số phát thải gồm: biên vận hành (OM), biên xây dựng (BM) và kết hợp (CM).
Bà Đinh Lê Phương Anh - Viện Năng lượng chủ nhiệm đề tài giới thiệu đề tài tại Hội thảo
Phương pháp này gồm 6 bước tính toán cụ thể, dựa trên cơ sở dữ liệu về tiêu thụ nhiên liệu, sản lượng điện, công nghệ phát điện và phạm vi hệ thống lưới điện. Việc sử dụng công cụ TOOL07 giúp đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và có thể kiểm chứng kết quả, những yếu tố cốt lõi trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước xây dựng thị trường carbon nội địa.
Cùng với đó, hệ số phát thải phân ngành nhiệt điện than trong giai đoạn 2020–2024 được xây dựng dựa trên thông số kỹ thuật, hiện trạng vận hành thực tế của các nhà máy. Điều này giúp nâng cao độ chính xác khi tính toán lượng CO₂ phát thải từ từng loại nhiên liệu, làm cơ sở xây dựng các kịch bản giảm phát thải khả thi và hiệu quả.
Công cụ phục vụ kiểm kê, lập báo cáo và thu hút tài chính khí hậu
Hệ số phát thải lưới điện và phân ngành đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính ở bậc cao hơn, xây dựng và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), theo dõi tiến độ giảm phát thải, cũng như tính toán mức giảm phát thải của các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện hoặc chuyển đổi nhiên liệu sạch.
Ông Lê Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng trao đổi tại Hội nghị
Việc cập nhật hệ số phát thải thường niên theo chuẩn quốc tế sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực minh bạch hóa dữ liệu phát thải, phục vụ đàm phán khí hậu toàn cầu, đồng thời là cơ sở quan trọng để tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu từ quốc tế.
Đối thoại chuyên môn sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia
Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính và chuyển dịch xanh. Các nội dung được thảo luận sâu bao gồm: cấu trúc phương pháp luận, tính đầy đủ và chính xác của dữ liệu đầu vào, các giả định kỹ thuật trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, cũng như các thách thức và khuyến nghị nhằm cải thiện độ tin cậy và tính thực tiễn của hệ số phát thải.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Môi trường và Phát triển Bền vững - Viện Năng lượng trao đổi tại Hội thảo
Sự kiện không chỉ là dịp trao đổi chuyên môn mà còn góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính quốc gia và xây dựng chính sách năng lượng bền vững trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Một số hình ảnh của các đại biểu tại Hội thảo:
Ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng phòng Tổng hợp và Hợp tác Quốc tế, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến Công - Bộ Công Thương trao đổi tại Hội thảo
Hoàng Dương