Cà phê Mơ
Xã Bình Hòa được nhiều người biết đến qua hình ảnh những người Hàn Quốc thuộc Tổ chức Nawauri đứng lặng trước tấm bia chi chít tên đàn bà, trẻ con, cụ già. Họ vái lạy, sám hối, rơi nước mắt cho tội lỗi của những người lính Nam Hàn.
Năm 1966, lính Nam Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ thảm sát tồi tệ, giết hại 430 người dân nơi đây. Vụ việc giống như tại một số địa phương tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Mãi tới năm 1999, báo Hankyoreh đăng bài vụ thảm sát này người dân Hàn Quốc sững sờ.
Chị em Ly - Trà với lá cờ làm điểm nhấn trong quán cà phê Mơ. Ảnh: Văn Chương
Khu vực gần những tấm bia đau buồn này có một quán cà phê gắn biển “Cà phê Mơ”. Những người từng một lần ghé quán, trở về không gọi quán Mơ, mà gọi là quán Giải Phóng. Hai chị em Đoàn Thị Phi Ly và Đoàn Ngọc Trà, cháu của 3 nạn nhân từng bị lính Nam Triều Tiên sát hại, trang trí quán theo kiểu không gian ký ức. Ngay chính diện là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Cha của chị em Ly là ông Đoàn Truyền. Ông là đứa bé sống sót giữa đống xác chết, nhờ người mẹ lấy thân mình đỡ đạn cho con. Sau này hai chị em Ly lớn lên và thường nghe cha kể chuyện. Đoàn Ngọc Trà cho biết, từ thời còn đi học và sinh hoạt Đoàn, các thầy cô giáo thường kể chuyện về những nỗi tang thương của người dân Bình Hòa, tổ chức cho các em tưởng niệm người đã khuất. Những hình ảnh đó ăn sâu trong suy nghĩ của cậu học trò về giá trị của hòa bình. Sau này ra Đà Nẵng học Trường Cao đẳng Công nghệ, ra Hà Nội làm kỹ thuật viên trong doanh nghiệp VTech, Trà bắt đầu say mê đọc sách để hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội…
Năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch COVID - 19, Trà rời Hà Nội trở về quê, tìm mua những kỷ vật thời chiến, sau đó mở quán cà phê này. Điểm nhấn trong quán là tủ sách, với dự định làm thư viện cộng đồng cho học sinh, cùng những đồ vật gợi nhớ ký ức thời chiến tranh. Đó là chai bia Larue của hãng BGI trước năm 1975, lon guigoz từng tràn ngập khắp miền Nam, máy đánh chữ Remington, đồng hồ con gà…
Tiền bán cà phê sẽ trích ra hỗ trợ học sinh nghèo. Hiện nay quán của hai chị em cùng người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh đang hỗ trợ cho 10 em học sinh, mỗi em 500.000 đồng/tháng.
Ông giáo vẽ chân dung người vợ
Tại xã Bình Hòa, hỏi thầy giáo Nguyễn Niệm rất nhiều người biết, có người còn thốt lên “thầy Niệm, thầy giáo tự vẽ chân dung người vợ để thờ”. Đất nước giải phóng đã 50 năm rồi, nhưng nếu ngồi với người thầy giáo này nghe ông kể chuyện sẽ ngỡ như mới hôm qua. Vợ ông bị lính Nam Triều Tiên sát hại là nỗi đau không bao giờ quên.
Thầy giáo Nguyễn Niệm với bức tranh tự tay vẽ đúng vào ngày 30/4/1975. Ảnh: Văn Chương
Thầy Niệm sinh năm 1933, học hết lớp 7 trở thành ông giáo làng, dạy dưới hầm hoặc trong những căn chòi lá cho dân sống ở vùng đệm, bị chính quyền Sài Gòn quy tội theo Cộng sản.
Trường Tiểu học Bình Hòa có 14 lớp, mỗi lớp 15-20 học sinh, thầy Niệm là hiệu trưởng kiêm giáo viên (1965-1970). Vì lớp học nằm dưới hầm ngách, thầy Niệm phải giảng bài thật to. Sau này, thầy vẫn quen nói to. Năm 1966, trong lúc thầy đi dạy, lính Nam Triều Tiên xông vào làng sát hại người dân, trong đó có vợ của thầy.
Cuối năm 1969, học sinh ở khu hầm ngách xã Bình Hòa không kịp chạy vì máy bay địch đổ quân quá bất ngờ. Thầy Niệm kể, tôi la to, các con ơi, chạy nhanh lên!”. Thầy Niệm bị bắt với tội danh “dạy học trái phép ở vùng Cộng sản”. Thầy bị giam giữ tại nhà tù Lao Xá ở Quảng Ngãi đến tháng 2/1971. Khi mãn hạn tù, thầy về sống tại ấp chiến lược xã Bình Hiệp, tham gia tiếp tế lương thực cho cách mạng. Bốn năm sau, đất nước giải phóng, thầy tiếp tục làm Hiệu phó Trường Tiểu học Bình Hòa.
Tôi đến thăm thầy, thầy chỉ lên bức tranh vẽ chân dung vợ đặt trên bàn thờ. Ngày 6/8/2012, phóng viên Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản phỏng vấn thầy Niệm về vụ người vợ 20 tuổi bị lính Nam Triều Tiên thảm sát cùng gia đình. Thầy nói, trải qua chiến tranh càng thấm thía giá trị của hòa bình.
Tiếng rì rào người đã khuất
Ông Phạm Trung ngồi nhìn ra tấm bia di tích cắm tại Đám Giếng Đồng Kho của xã Bình Hòa. Nơi này cũng như một số điểm của thôn An Cường, xã Bình Hải (nằm giáp xã Bình Hòa), những gì đau buồn và mất mát ít còn được nhắc đến. Ông Trung chỉ lên bằng tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm di ảnh trên bàn thờ, cả nhà đều bị thảm sát, ông nói “đêm nằm vẫn không quên thời chiến tranh, vì quá cơ cực, bây giờ đất nước hòa bình, con cháu có nhiều cơ hội phát triển”. Băng qua một con đập bắc ngang dòng suối cạn, ranh giới giữa xã Bình Hòa và xã Bình Hải là khu dân cư mới của thôn An Cường.
Ông Phạm Trung cùng vợ với cuốn sách nói về lực lượng lính Hàn Quốc từng gây ra thảm sát tại Bình Hòa Ảnh: Văn Chương
Ngay đầu làng, bà Huỳnh Thị Dưỡng dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn có cử chỉ như một đứa trẻ bên người mẹ nuôi Lê Thị Hường. Cha mẹ của bà Dưỡng bị thảm sát, bà Hường nhặt đứa trẻ bơ vơ về làm con nuôi. Gần 60 năm trôi qua, nhưng bà Hường vẫn ngỡ mọi thứ mới vừa hôm qua, bà nhớ chi tiết từng câu chuyện, bà đặt tay lên ngực để nói về cảm tưởng của ngày giải phóng.
Bà Hường, sinh năm 1943, chồng mất sớm, ở vậy nuôi cô con gái nhặt được trong đống xác người. Bà nói: “Mừng ngày giải phóng, mong sao đất nước mãi hòa bình”.
Năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch COVID - 19, Trà rời Hà Nội trở về quê, tìm mua những kỷ vật thời chiến, sau đó mở quán cà phê này. Điểm nhấn trong quán là tủ sách, với dự định làm thư viện cộng đồng cho học sinh, cùng những đồ vật gợi nhớ ký ức thời chiến tranh.
Lê Văn Chương