Đại tá Trịnh Như Nghiêm, nguyên Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ôn lại kỷ niệm từng tham gia các trận đánh.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT Thanh Hóa vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa cùng Nhân dân trong tỉnh dồn lực chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Đặc biệt, trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử, LLVT Thanh Hóa từ miền biển đến miền núi đã bước vào trận tuyến với khí thế sục sôi, góp phần làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và được Bác Hồ khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Ðiện Biên Phủ đến đó. Tiếng Ðiện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, LLVT Thanh Hóa đã anh dũng bám đất, bám làng, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các đợt tập kích, bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu biệt kích của địch, bảo vệ thành quả xây dựng CNXH ở miền Bắc. Không chỉ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên mảnh đất quê hương, với tinh thần “Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hơn 20 vạn thanh niên Thanh Hóa đã hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông nối liền một dải, Bắc – Nam sum họp một nhà. Trong khúc khải hoàn ca chiến thắng của toàn dân tộc, LLVT Thanh Hóa đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Để được cảm nhận hơi thở của một thế hệ anh hùng đã từng đi qua những năm tháng lịch sử ấy, tôi tìm gặp cụ ông Lê Văn Đàn, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), người đã kề vai sát cánh cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Cụ Đàn năm nay tròn 80 tuổi, đôi lúc có quên đi một vài ký ức xa xưa, nhưng khi nhắc đến chiến thắng Hàm Rồng – Nam Ngạn, nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất quê hương mình, sức sống lại căng tràn lạ thường, hiện rõ trên nét mặt phấn chấn và cả trong những câu chuyện ông kể. Tôi mở lời về cuộc chiến ngày 3 và 4/4/1965, rồi cụ kể cho tôi nghe bằng tất cả những ký ức, những dòng cảm xúc của một người từng sống và trực tiếp chiến đấu.
Cụ Đàn kể: “Đầu năm 1965, đơn vị tôi được lệnh hành quân về tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ của đơn vị tôi có 3 đại đội pháo 37 ly và 1 đại đội pháo 14,5 ly. Tôi là chiến sĩ phụ trách máy đo xa (đo cự ly của máy bay địch để xác định mục tiêu, tầm ngắm), dù không trực tiếp đạp cò bắn nhưng nhiệm vụ của tôi cũng rất quan trọng, bởi nếu đo sai cự ly thì pháo của ta sẽ không thể bắn trúng máy bay địch. Trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, bộ đội ta sử dụng cùng lúc cả 3 loại pháo, trong đó pháo 57 ly bắn ở tầm xa, pháo 37 ly bắn ở tầm trung và pháo 14,5 ly bắn ở tầm thấp nên máy bay Mỹ bị trúng đạn rất nhiều. Cầu Hàm Rồng nằm trên một dải địa hình hết sức phức tạp, hai bên là núi Rồng và núi Ngọc đứng án ngữ khiến máy bay địch rất khó ném bom. Đánh cầu Hàm Rồng không được, chúng quay sang đánh các trận địa hòng ngăn chặn sự đáp trả bằng hỏa lực phòng không của quân đội ta”.
Khi được hỏi về ấn tượng sâu sắc nhất của cụ trong 2 ngày chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, cụ Đàn trầm tư bảo: “Ngày 3 và 4/4 ác liệt ấy, có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ lắm cháu ạ. Nhưng tôi nhớ mãi hành động vô cùng dũng cảm của pháo thủ số 2, tuổi đời mới đôi mươi. Trong lúc làm nhiệm vụ, pháo thủ số 2 bị thương xuyên qua bụng, dù rất đau đớn nhưng anh vẫn dành hơi thở cuối cùng của mình để đạp cò bắn. Đến khi anh ngã xuống, người tiếp theo nhảy vào đạp cò bắn tiếp. Sự hy sinh anh dũng của pháo thủ số 2 đã cổ vũ mạnh mẽ cho đồng đội ta thi đua giết giặc lập công”.
Tròn 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), nhưng trong ký ức của cựu chiến binh, Đại tá Trịnh Như Nghiêm, nguyên Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện đang sinh sống tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa) vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc vỡ òa trong ngày vui toàn thắng. Tôi lại gặp ông trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nên những ký ức, những dòng cảm xúc về một thời hoa lửa lại ùa về trong trái tim đầy cảm xúc của ông. Theo dòng hồi tưởng, cựu chiến binh Trịnh Như Nghiêm nhớ lại: “Năm 1972, tôi nhập ngũ và tham gia huấn luyện tại Thanh Hóa. Đến tháng 4/1974, đơn vị tôi được lệnh đi B, sau nhiều ngày hành quân, chúng tôi có mặt tại Đồng bằng sông Cửu Long để nhận nhiệm vụ. Tôi ở đơn vị đặc công thuộc Trung đoàn 10, Quân khu 9, nhiệm vụ của chúng tôi là phá các đồn của quân địch. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, chúng tôi phải luồn lách, chui qua các loại hàng rào dây thép gai từ 3 - 5 lần để nắm chắc tình hình quân địch về báo cáo chỉ huy đơn vị phân công từng mũi tấn công. Ngày ấy, chúng tôi thường đánh vào ban đêm, từ 2 – 4 giờ sáng, bởi lúc này quân địch vừa khó phát hiện, vừa khó chi viện nên chúng sẽ dễ bị thất bại”.
Là người từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, nhưng cựu chiến binh Trịnh Như Nghiêm nhớ nhất là trận đánh sân bay Trà Nóc ở TP Cần Thơ tháng 4/1975. Sân bay Trà Nóc có vai trò quan trọng, nên nếu quân địch bố trí lực lượng rất mạnh để giữ vững thì quân ta với mục tiêu phải chiếm bằng được nơi đây, cũng tấn công rất quyết liệt. Với niềm tự hào sâu sắc, cựu chiến binh Trịnh Như Nghiêm kể: “Quân địch mạnh hơn ta bởi chúng ở trong các căn cứ, lại có vũ khí và phương tiện hiện đại như máy bay, xe tăng, pháo binh. Mặc dù bất lợi hơn nhưng quân ta vẫn không chùn bước, lúc phòng ngự, khi tấn công, trận đánh cứ thế diễn ra trong nhiều ngày. Giữa lúc này, ở miền Đông Nam bộ, quân ta thắng lớn nhiều trận đã khiến quân địch giảm sút ý chí chiến đấu, đơn vị tôi thừa thắng xông lên. Sau 5 ngày giằng co với địch, ngày 30/4/1975, đơn vị tôi đã vào tiếp quản TP Cần Thơ. Cùng thời điểm này, quân ta đã tiến lên cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc chưa lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam lại diễn ra. Nhận lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, đơn vị ông Trịnh Như Nghiêm đã lên đường sang giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, xây dựng đất nước Campuchia từ đống tro tàn của thảm họa diệt chủng đến hồi sinh và tái thiết đất nước, cựu chiến binh Trịnh Như Nghiêm nói riêng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam nói chung đã làm tỏa sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng. Và, điều đọng lại trong ông cho đến hôm nay đó là niềm tự hào sâu sắc vì 2 lần được chứng kiến 2 dân tộc Việt Nam, Campuchia hoàn toàn giải phóng.
21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Với những đóng góp vô cùng to lớn cho cuộc chiến, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, tuyên dương, trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân; được Bác Hồ tặng cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cùng nhiều thư khen, nhiều huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, trong thời bình, họ lại trở thành những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cho lớp lớp các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Truyền thống đấu tranh giữ nước, giá trị thiêng liêng của 2 tiếng “độc lập”, “tự do” được đánh đổi bằng máu xương của các thế hệ cha anh luôn là bài học quý giá nhắc nhở mỗi thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.
Bài và ảnh: Tố Phương