"Cả sáu chiếc xe điện sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô chế tạo, đến nay đều hoạt động tốt. Khoảng hơn hai năm, chúng tôi thay pin một lần, với giá 2,2 triệu đồng/bình và mỗi xe từ 4-6 bình - tùy loại", ThS. Nguyễn Văn Tổng Em, Phó trưởng Khoa Cơ khí động lực, Trường Đại học Nam Cần Thơ (Cần Thơ) cho biết vào dịp khai giảng năm học 2024-2025 tổ chức sáng 20/9.
Các sinh viên Đại học Nam Cần Thơ chế tạo thành công mẫu xe điện này.
Theo ThS Tổng Em, hiện các em sinh viên đang chế tạo thêm hai chiếc xe điện, nhưng cũng sẽ chỉ để sử dụng vận chuyển nội bộ trong trường.
"Lâu nay xe chỉ sử dụng nội bộ, do muốn bán ra thị trường phải làm thủ tục giấy tờ phức tạp. Nhưng trong tương lai chúng tôi sẽ tính đến chuyện sản xuất đại trà để bán", ThS. Tổng Em nói thêm.
Hiện giá thành xe điện mà các sinh viên trường chế tạo hiện dao động trên dưới 40 triệu đồng đối với xe bốn chỗ.
Xe mất khoảng 5 giờ để sạc đầy bình và có thể vận hành liên tục khoảng 40km, tốc độ tối đa đạt 40km/h.
Hiện tại, ô tô điện hai chỗ của các hãng giá rẻ nhất của Trung Quốc cũng lên tới gần 50 triệu, còn các loại xe Thái Lan khoảng 75 - 200 triệu đồng (chưa tính chi phí nhập khẩu)…
Đây là mẫu xe mà trường mua linh kiện về cho sinh viên lắp ráp.
Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô chế tạo là một trong 42 ngành bậc Đại học mà Trường Đại học Nam Cần Thơ đang đào tạo. Hiện trường này có khoảng 24.000 sinh viên.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng, trường đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế với các trường, viện nghiên cứu uy tín của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… để trao đổi tài liệu khoa học, phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu chung.
Mẫu ô tô điện mà các sinh viên của trường chế tạo thành công cũng được nhiều viện, trường quan tâm…
"Chiếc xe này để sử dụng trong một khu vực nhỏ vào mục đích chở hàng hoặc mục đích riêng nào đó thì có thể khả thi. Nhưng để chạy được ngoài đường phố chắc chắn phải đạt các điều kiện về sản xuất lắp ráp, an toàn kỹ thuật phương tiện.
Các nghiên cứu khoa học của sinh viên và thày cô là nền tảng cơ bản. Để có thể nâng tầm thương mại hóa là một bước rất dài, cần thêm sự đầu tư từ doanh nghiệp", PGS.TS Lý Hùng Anh, thành viên Hội đồng kỹ thuật ASEAN NCAP nhận định.
Theo quy định hiện nay, xe điện lưu thông phải phải gắn thiết bị giám sát hành trình, người điều khiển phải có giấy phép lái xe tương ứng.
Nhà sản xuất phải có thiết kế, đăng ký và đăng kiểm, hoạt động và tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ.
Với xe của Trường Đại học Nam Cần Thơ sản xuất, muốn bán ra thị trường phải đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) và Cục Đăng kiểm VN chứng nhận mẫu như xe cơ giới thông thường.
Nhóm PV miền Nam