Hơn vạn người dự Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng

Hơn vạn người dự Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng
5 giờ trướcBài gốc
Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng ở TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn)
Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng năm 2025 được tổ chức vào ngày 26 tháng Giêng (tức 23/2 dương lịch) tại khúc sông có Bến đá Kỳ Cùng, khu vực cầu Kỳ Cùng (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Sự kiện văn hóa này nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ năm 2025 (diễn ra từ 22 - 27 tháng Giêng).
Năm nay, lễ hội có 24 đội đua, tham gia tranh tài ở cự ly 1.500m. Trong đó, 20 đội đến từ 11 huyện, thành phố và lần đầu tiên có sự tham gia của 4 đội thi đến từ tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên.
Mỗi đội đua gồm 3 tay đua là những thanh niên trai tráng từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh, có tài sông nước, có kinh nghiệm bơi bè.
Đến dự lễ hội có hơn 1 vạn người dân, du khách kéo hàng dài trên 1km ở hai bên bờ sông Kỳ Cùng (đoạn từ cầu Kỳ Cùng - cầu Mai Pha).
Để chuẩn bị cho cuộc đua, các đội phải chuẩn bị bè và tay chèo. Bè mảng có kích thước rộng 50 - 60cm, dài 6 - 7m được làm từ 6 cây mai, sau đó được ghép lại với nhau chắc chắn bằng cây tre hoặc dây thép.
Tay chèo bè làm từ gỗ xoan già có độ dài 1,5 – 1,7 m gồm 2 bộ phận: tay cầm – tay nắm dài 1 – 1,2 m, đường kính 7 – 8cm và mái chèo rộng 10 – 12cm, dài 50 – 60cm, dày 1 – 2cm (dày ở giữa, 2 bên vát mỏng dần).
Ngay khi trọng tài phát cờ lệnh, các tay chèo đều dồn sức để điều khiển bè vượt lên nhanh nhất và không bị chệch hướng.
Các "tay đua" sẽ phối hợp nhịp nhàng để chèo thật nhanh và đều, đưa bè vượt lên phía trước (phải quỳ gối chèo).
Người ở đầu bè vừa chèo vừa lái, điều khiển bè đi đúng hướng. Người ở cuối bè điều chỉnh giữ cho bè thăng bằng, giữ nhịp để giúp cho các tay chèo thống nhất động tác, tăng tốc hoặc giữ đều tay chèo trong quá trình di chuyển. Thành viên còn lại ở giữa phối hợp chèo bè nhanh, mạnh và đều đặn.
Thông thường mỗi cuộc đua gồm 3 vòng, đến cuối vòng thứ 3, các tay chèo lật bè ba lần (theo truyền thuyết, việc lật bè là để liên tưởng về cách vặn mình của Thần Rắn (còn gọi Thần sông Kỳ Cùng Đại Vương) năm xưa lúc đi diệt Thuồng Luồng và cũng là mời Thần Rắn lên cùng vui với dân làng.
Khi đã lật đủ 3 lần, các tay chèo lao nhanh về đích trong sự cổ vũ nồng nhiệt của hơn 1 vạn khán giả ở hai bên bờ sông.
Đền Kỳ Cùng địa điểm tổ chức lễ hội trước, tương truyền ban đầu được lập để thờ Thần Rắn. Trước kia, khi các đoàn xứ bộ khi đi ngang qua đây đều vào làm lễ yết cáo Thần để cầu cho chuyến đi may mắn, thuận lợi. Qua sự biến thiên của thời gian, lịch sử, đền đã chuyển từ chỗ thờ Thần Rắn sang thờ Quan lớn Tuần Tranh - một vị tướng nhà Trần mà sự nghiệp, chiến công gắn liền với di tích lịch sử này.
Lễ hội là dịp để người dân thành kính và tưởng nhớ công lao to lớn của các vị thánh thần đem lại sự bình yên cho dân làng; cầu mong thánh thần phù hộ cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an, sông nước hiền hòa, mùa màng tươi tốt.
Đối với cộng đồng các dân tộc ở Lạng Sơn, đặc biệt là đối với đồng bào Tày, Nùng vùng ven sông, bè mảng vốn là phương tiện di chuyển chủ yếu trên sông suối, chuyên chở nông sản, hàng hóa và giao thương giữa các bản làng. Ngoài việc sử dụng bè là phương tiện phục vụ sinh hoạt, ở một số nơi người dân còn tự tổ chức những cuộc đua bè mảng để rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần đoàn kết và tôn vinh nét đẹp lao động.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, đua bè mảng không chỉ giữ vai trò là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch Lạng Sơn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Hiện TP Lạng Sơn đã có kế hoạch đưa đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng trở thành sản phẩm du lịch thể thao độc đáo, là điểm nhấn góp phần kích cầu du lịch, thu hút du khách tham gia trong dịp lễ hội đầu Xuân tại địa phương.
Trường Hùng
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/hon-van-nguoi-du-le-hoi-dua-be-mang-tren-song-ky-cung-o-tp-lang-son-20250223162520159.htm