Hương cốm xưa

Hương cốm xưa
4 giờ trướcBài gốc
BHG - Mùa Thu về, tôi chợt nhớ những mùa cốm xưa ở bản mình biết bao. Cái mùa vào một ngày lúa nếp cái từng bông nặng trĩu trên cánh đồng tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Bản vào vụ cốm, các bà, các mẹ mang cái lép (một dụng cụ để cắt lúa của người Tày) cắt từng bông lúa thơm phức ấy về để làm cốm. Một ngày cả bản cùng làm cốm, từ đầu làng đến cuối làng, từ cánh đồng tới những ngọn núi vàng ánh nắng thơm mùi cốm.
Hồi xưa nhà nào, nhà ấy trong bản tôi cũng để một đám ruộng tốt nhất để cấy lúa nếp. Lúa là giống nếp cổ được để giống từ vụ trước, hạt mẩy, thơm và dẻo vô cùng. Mùa cốm vào độ tháng mười, lúa nếp cái ương hạt bông nặng trĩu, đung đưa theo làn gió heo may. Lúa nếp thơm, rơm cũng thơm hơn, ai đi qua ruộng nếp những ngày hạt thóc kết mật thành hạt mây mẩy ấy thì tha hồ hít hà thứ hương đồng gió nội thanh nhã ấy. Đúng lúc này, người bản đi cắt những bông nếp ấy về làm những mẻ cốm xanh thơm ngọt bùi mà chỉ có một lần được ăn trong năm. Ngoài đồng, những bóng người lẩn khuất dưới những bông lúa nếp cao, chỉ nghe tiếng cười nói. Tiếng các bà, các mẹ chuyện trò, mời mọc nhau đến giã cốm chung, tiếng trẻ con cầm bùi nhùi rơm đi bắt cào cào, muồm muỗm dưới những bông lúa. Ruộng nếp vốn đã thơm giờ có bàn tay người đụng tới càng đánh thức những hương thơm tinh túy nồng đượm hơn.
Nhâm nhi cốm thơm với chén trà rất hợp với khí trời mùa Thu.
Rồi tùng cum, từng cum lúa xanh được xiên gánh về nhà, tuốt từng hạt ra để rang. Lúa nếp làm cốm còn xanh non, có hạt vẫn ươm mật, người quê tôi thường đặt từng bó lúa trên mẹt lấy bát ăn cơm cào mạnh tách hạt ra khỏi bông lúa. Cái thao tác này làm cho vài hạt lúa vỡ ra, càng khiến hương thơm tỏa ra ngào ngạt, nếp non từng hạt tuốt ra đầy một mẹt bắt đầu được rang trên chảo. Rang thóc cho chín là công đoạn quan trọng, những bà, những mẹ lúc này cầm một cây đũa cả đảo thật đều lúa trong chảo, lại thêm một người canh lửa không để thóc chín quá, hoặc cháy. Nếp rang thơm dậy mùi từ bếp tỏa khắp nhà, tỏa ra khắp bản theo gió hòa vào đất trời. Mùa Thu lúc này mới thật là mùa Thu, nắng vàng rọi khắp bản cũng như được ướp trong mùi hương của lúa mới tạo nên.
Những mẹt thóc rang vừa độ chín, được ủ trong thúng chờ nguội sẽ cho vào cối giã, công đoạn quan trọng cuối để có những hạt cốm xanh dẻo, thơm. Một xóm vài nhà tụ lại một chỗ cùng nhau giã những mẻ cốm vụ Thu. Cái loỏng bằng gỗ cây vải rừng được rửa sạch, những chiếc chày bóng lưỡng bởi tay cầm làm từ gỗ nghiến, sến được rửa sạch. Hai hàng người đứng hai bên loỏng, thóc nếp đổ vào thậm thình, cắc cùm tiếng giã cốm vang khắp nhà. Vang ra cả bản, như thông cáo với trời đất về một mùa màng bội thu của dân bản, hương cốm thơm bay theo từng tiếng cắc cùm của nhịp chày.
Những bông lúa nếp thuần cho hương vị cốm thơm ngon nhất.
Những hạt thóc rang chín quyện vào nhau, vỏ trấu nứt ra để lộ những hạt xanh như ngọc bích. Bọn trẻ con thích thú đứng xem người lớn giã cốm, đôi mắt đen long lanh hau háu ánh nhìn chờ đợi thèm thuồng. Giã cốm vất không ít, nhưng vui tiếng chày vang nhà, tiếng người trò chuyện chờ đợi mẻ cốm ra lò háo hức biết bao. Có những khi cốm vo viên vì thóc còn non, hay rang chưa đủ chín vài chục hạt thóc dưới sức nặng của chày gỗ bện quyện lại, cả hạt cốm và trấu xoẵn xít tạo nên một thứ cốm không hề dễ ăn. Phần này được bỏ ra cho đám trẻ đang hóng chờ chúng háo hức tỉ mẩn nhổ bỏ trấu vụn, rồi cẩn thận bỏ vào miệng phần cốm thơm nhai chầm chậm thưởng thức hương vị cốm đầu tiên của năm.
Giã cốm ở cái thời xa xưa ấy không chỉ mang đến niềm vui cho người nông dân. Mùa cốm ở bản tôi hồi ấy còn là dịp để những đôi trai gái gặp gỡ chuyện trò. Cánh thanh niên hẹn hò về một nhà giúp nhau rang, giã cốm, hai hàng trai gái đứng hai bên loỏng giã cốm thậm thình tiếng chày, những ánh mắt ngơ ngẩn ngắm nhìn má hồng không ít cặp nên đôi về một nhà.
Hạt cốm xanh như hạt ngọc, gói trong lá dong, lá chuối là thứ đồ ăn thanh nhã nhất trong các loại bánh theo mùa của người Tày. Mẻ cốm đầu tiên sàng sẩy xong được đưa lên bàn thờ gia tiên, rồi các mẻ sau mới đến từng người trong nhà thưởng thức cái vị ngọt bùi của đồng ruộng quê nhà. Cốm có thể ăn trực tiếp, nhấm nháp vị ngọt bùi nếp non, hoặc ép thành bánh, gói bánh gù có thêm nhân... Trong văn hóa tín ngưỡng, cốm còn gắn với lễ thực thành Then của các thầy then uy tín trong bản. Lễ lẩu Then cốm vào mùa Thu là lễ tẩy trần trả lễ của các thầy Then song hành với lễ lẩu Then bjooc mạ là hai lễ lớn của các thầy trong dịp đầu năm và cuối năm.
Những mùa hội cốm ấy giờ đã không còn được duy trì ở nhiều bản Tày. Người trẻ giờ muốn ăn cốm chỉ có thể đặt mua từ người khác, không thể cảm nhận những không khí đầy sắc màu văn hóa của ngày xưa nữa. Cốm vẫn là một món ăn đặc sắc của người làm nông, một món sang trọng, thanh tao trong đời sống nông nghiệp.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/van-hoa/202410/huong-com-xua-f364a8e/