Hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Kết cấu hạ tầng đồng bộ - rút ngắn khoảng cách đô thị và nông thôn

Hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Kết cấu hạ tầng đồng bộ - rút ngắn khoảng cách đô thị và nông thôn
2 giờ trướcBài gốc
Một góc thị trấn Lộc Thắng. (Ảnh do UBND huyện Bảo Lâm cung cấp)
Theo cán bộ và người dân Bảo Lâm, những năm đầu thành lập, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện gặp rất nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vì toàn bộ hệ thống đường là đường đất, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trên nhiều lĩnh vực đều thiếu thốn, thậm chí nhiều xã không có trạm y tế, hệ thống trường học thiếu thốn… Tuy nhiên, 30 năm sau, có thể nói rằng, kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng đồng bộ và tương đối hiện đại. Để đạt được thành tựu như ngày nay, xuyên suốt 30 năm thành lập và phát triển của huyện Bảo Lâm, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện luôn nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện luôn có mức tăng trưởng cao nhiều năm liền và trở thành một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Xác định mạng lưới giao thông chính là “huyết mạch” của nền kinh tế - xã hội nên nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa thường xuyên từ các nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và có sự tham gia đóng góp của Nhân dân, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp… Nhờ vậy, cho đến nay, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường giao thông đạt 87,4% trong tổng số km đường trên toàn huyện. Cụ thể, trên toàn huyện có hơn 1.587,5 km đường bộ, bao gồm: Quốc lộ 23,937 km, chiếm 1,5%; Tỉnh lộ 725 dài gần 66,74 km, chiếm 4,2%; đường huyện 108,761 km, chiếm 6,9%; đường liên xã 763,216 km, chiếm 48%; đường thôn, liên thôn, trục chính nội đồng có tổng chiều dài 624,88 km, chiếm 39,4% và địa bàn huyện có 54/79 cầu, cống được kiên cố. Mạng lưới giao thông liên xã và giao thông nông thôn từ trung tâm huyện về đến trung tâm các xã đã được bê tông, nhựa hóa toàn bộ.
Bảo Lâm cũng đang bắt tay vào xây dựng thị trấn Lộc Thắng với mục tiêu sẽ tiệm cận đô thị loại IV vào năm 2025. Qua đó, huyện đã tập trung lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chỉnh trang trung tâm thị trấn, quy hoạch phân khu đô thị sinh thái ven hồ Lộc Thắng... Từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị thị trấn Lộc Thắng với các tuyến đường nội thị được mở rộng, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, công viên, đèn chiếu sáng, chợ trung tâm và hệ thống trụ sở cơ quan nhà nước… được đầu tư chỉnh trang khiến diện mạo đô thị thị trấn Lộc Thắng ngày càng khang trang, hiện đại. Đến nay, tổng chiều dài đường giao thông của thị trấn Lộc Thắng được nhựa hóa là 58,51 km; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 78%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 60%; tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thị được chiếu sáng đạt 100%, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 75%.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về xây dựng xã Lộc An trở thành thị trấn và đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2025, huyện đã tập trung xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông giữa các thôn trong xã, xây dựng hệ thống vỉa hè, hệ thống chiếu sáng hai bên Quốc lộ 20 đoạn qua xã Lộc An... và từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã Lộc An trở thành thị trấn theo lộ trình đề ra.
Hạ tầng lưới điện thường xuyên đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống lưới điện nông thôn phát triển nhanh, góp phần tăng nhanh tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 99,8%.
Các công trình thủy điện trên địa bàn đã đi vào hoạt động ổn định, hàng năm cung cấp điện cho địa phương và hòa vào lưới điện quốc gia sản lượng điện đạt 560,97 triệu KWh.
Cụm công nghiệp Lộc Thắng có diện tích 32,29 ha đã hoàn thành một số hạng mục hạ tầng cơ bản và hiện có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tỷ lệ lấp đầy đạt 61%, cùng với các điểm lẻ công nghiệp tập trung các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu đã góp phần tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp địa phương.
Mặt khác, toàn huyện có 26 công trình thủy lợi, hồ chứa nước và hàng trăm công trình ao, hồ nhỏ phát huy hiệu quả, đảm bảo nước tưới chủ động cho 85% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hạ tầng nước sạch, môi trường được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 96%. Công tác thu gom, xử lý rác thải ở khu vực thị trấn và nông thôn được chú trọng thực hiện với tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn đạt 85%.
Theo UBND huyện, đến nay, hạ tầng thương mại, dịch vụ cơ bản phát triển với hệ thống 4 chợ tại thị trấn Lộc Thắng và các xã: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Quảng hoạt động ổn định, hiệu quả; gần 5.000 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trải khắp các xã, thị trấn, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống Nhân dân. Các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn đã được cấp phép đầu tư đã và đang triển khai. Hệ thống tín dụng có 5 chi nhánh thuộc các ngân hàng lớn và 5 quỹ tín dụng phân bố tại các xã, thị trấn, thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Bên cạnh sự phát triển của hạ tầng kinh tế, kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội cũng được quan tâm đầu tư, nhiều công trình trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin - truyền thông được xây dựng, góp phần đáp ứng và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao được đẩy mạnh bao gồm: Trung tâm Văn hóa - Thể thao đã được xây dựng với tổng diện tích 5,7 ha cùng với 13 nhà văn hóa xã, thị trấn và 115 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được đầu tư đầy đủ trang thiết bị đảm bảo tổ chức các hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, có hệ thống sân bóng chuyền, sân bóng đá, phòng tập thể dục thẩm mỹ, hồ bơi... từ nguồn xã hội hóa, tư nhân đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu thể dục, thể thao và tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội của người dân trên địa bàn.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông được quan tâm đầu tư, các hệ thống, phần mềm được triển khai và vận hành tốt; hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến từ huyện đến xã đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ công khai, minh bạch thông tin, chia sẻ dữ liệu, liên thông thủ tục hành chính theo quy định…
Theo UBND huyện Bảo Lâm, để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ngày một hiện đại, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức và Nhân dân cùng thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; lựa chọn một số công trình quan trọng có sức lan tỏa, tạo sự đột phá lớn để tập trung đầu tư; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện.
KHẢI NHIÊN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/huong-den-ky-niem-30-nam-ngay-thanh-lap-huyen-bao-lam-ket-cau-ha-tang-dong-bo-rut-ngan-khoang-cach-do-thi-va-nong-thon-9f03385/