Dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam có 23 ga hành khách - Ảnh minh họa internet
Quy hoạch vùng không gian phụ cận ga diện tích 200 - 500 ha
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong tuần làm việc thứ 4 (ngày 11 - 16/11/2024) Quốc hội sẽ thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam.
Đề xuất chủ trương đầu tư dự án trên, theo Tờ trình số 685/TTr – CP ngày 19/10/2024 của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tuyến đường sắt được xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; trên tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, đi qua 20 tỉnh, thành, đầu tuyến tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD); phấn đấu khởi công dự án năm 2027 và cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mà đơn vị tư vấn và Bộ GTVT đề xuất, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian vùng phụ cận từ 200 – 500 ha tùy vị trí (trừ ga Thủ Thiêm). Trong ga có 3 khu chức năng: Khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, quảng trường, bãi đỗ xe có diện tích 6 - 8 ha; khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10-15 ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250-300 ha.
"Trong phạm vi dự án, sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư khu chức năng trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, với khu phục vụ cho mục đích dịch vụ, thương mại và khu phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) sẽ do địa phương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện", tờ trình của Chính phủ đề xuất.
Trong số 23 ga hành khách, riêng đối với ga Ngọc Hồi, là ga đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội, được tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, được quy hoạch khoảng 250 ha; ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) cũng tích hợp với các tuyến đường sắt đô thị, quy mô dự kiến khoảng 17,2 ha.
Đối với 5 ga hàng trên tuyến, Chính phủ đề xuất xây dựng 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn kết nối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển và kết nối hệ thống đường sắt phục vụ vận tải liên vận quốc tế… Quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5 ha.
Nội dung tờ trình của Chính phủ đề cập phương án thiết kế sơ bộ hướng tuyến (công trình tuyến, công trình ga, Depot; Hệ thống thông tin, tín hiệu; Hệ thống điện năng; Hệ thống thẻ vé). Đối với 23 ga khách (mỗi tỉnh/thành có 1 ga, riêng tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận có 2 ga), được thiết kế bố trí dựa trên nguyên tắc: Phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương.
Cùng đó, các ga đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương hoặc khu vực gần trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; bảo đảm kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng; bảo đảm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.
"Trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn rà soát, nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ các yêu cầu cho các khu chức năng phục vụ chạy tàu, nhà ga trung tâm, quảng trường ga và các công trình kết nối đa phương thức.
Ngoài ra, trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn (quy hoạch các ga tiềm năng Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi, Cam Lâm,...), khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện", nội dung tờ trình của Chính phủ.
Mỗi ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được quy hoạch vùng không gian phụ cận rộng 200 - 500 ha, có chức năng thương mại, khu đô thị - Ảnh minh họa internet
Mô tả hướng tuyến, vị trí đặt 23 ga khách
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và vị trí xây dựng 23 ga hành khách được mô tả tóm tắt như sau: Phạm vi TP. Hà Nội, hướng tuyến từ ga Ngọc Hồi cơ bản đi theo hành lang quy hoạch, đến cuối huyện Phú Xuyên, hướng tuyến tách ra hướng về phía Đông để vòng tránh khu công nghiệp Đồng Văn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Tiếp đó tuyến vượt QL1, đường sắt hiện tại đi về phía Đông đường bộ cao tốc về TP. Phủ Lý. Ga Phủ Lý đặt tại xã Liêm Tiết, TP. Phủ Lý gần khu vực nút Liêm Tuyền, phía Đông đường bộ cao tốc.
Từ sau ga Phủ Lý, tuyến cơ bản đi theo hướng đường sắt hiện tại và QL21 về phía thành phố Nam Định. Ga Nam Định đặt tại phường Hưng Lộc, TP. Nam Định (gần ga Đặng Xá đường sắt hiện tại).
Sau ga Nam Định, tuyến đi về phía Ninh Bình, vượt sông Đáy tại khu vực phía Đông Khu công nghiệp Khánh Phú (TP. Ninh Bình). Sau khi giao cắt với QL10 hướng tuyến đi song song về phía Đông của đường bộ cao tốc. Vị trí ga Ninh Bình đặt tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, cách nút giao Mai Sơn khoảng 1 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố và ga Ninh Bình tuyến đường sắt hiện tại 7,5 km về phía Nam.
Tiếp đó, tuyến đi thẳng về phía Nam, vượt hồ Yên Thắng, tránh khu du lịch sinh thái hồ Đông Thái… sau đó sẽ xuyên qua núi bằng hầm Tam Điệp vào địa phận tỉnh Thanh Hóa. Từ khu vực núi Tam Điệp, tuyến cơ bản theo hướng Nam, chuyển sang phía Tây QL1A tại khu vực Hà Trung, vượt sông Mã tại vị trí cách cầu Hàm Rồng khoảng 4,3 km về phía thượng lưu. Ga Thanh Hóa đặt tại phía Tây TP. Thanh Hóa.
Tiếp đó, hướng tuyến cơ bản đi song song về phía Đông đường bộ cao tốc, qua khu vực hồ Yên Mỹ, đến khu kinh tế Nghi Sơn. Tuyến vượt núi Mồng Gà vào địa phận tỉnh Nghệ An. Từ đây, tuyến cơ bản đi song song về phía Đông đường bộ cao tốc, qua khu vực Cầu Giát, tuyến có xu hướng đi gần đường sắt hiện tại, vượt núi Thần Vũ, đi về phía Tây tuyến tránh Vinh. Ga Vinh đặt trong phạm vi giữa đường bộ cao tốc và tuyến tránh Vinh hiện tại. Sau đó, tuyến vượt sông Lam đi vào địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Từ Hồng Lĩnh đến TP. Hà Tĩnh, tuyến đi gần song song và cách QL1A khoảng 2 - 3 km về phía Tây. Vị trí ga Hà Tĩnh đặt tại khu vực phía Tây thành phố, nằm trên trục đường Hàm Nghi nối vào trung tâm thành phố.
Sau đó tuyến cơ bản bám theo hành lang đường bộ cao tốc đi về phía Vũng Áng. Vị trí ga Vũng Áng đặt tại khu vực xã Kỳ Hoa, gần tuyến tránh Kỳ Anh, tại vị trí này có bố trí nhánh kết nối với ga hàng hóa bố trí tại khu kinh tế Vũng Áng.
Tiếp đến, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam vượt qua dãy Hoành Sơn đi vào tỉnh Quảng Bình. Từ núi Hoành Sơn, tuyến đi về phía Nam, men theo hồ Vực Tròn, đi gần song song với hướng tuyến đường bộ cao tốc, tránh vị trí Cồn Sẻ, vượt sông Gianh tại vị trí cách cầu Gianh hiện tại khoảng 5 km về phía thượng lưu, tuyến đi về phía Tây TP. Đồng Hới. Ga Đồng Hới đặt tại xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới, cách trung tâm thành phố khoảng 4,58 km về phía Tây Nam (hoặc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, cách trung tâm thành phố khoảng 9,35 km về phía Tây Bắc).
Tiếp tục, tuyến vượt sông Nhật Lệ tại vị trí cách cầu Nhật Lệ của QL1 khoảng 1,3 km về phía thượng lưu. Sau đó tiến về phía Nam, vượt sông Kiến Giang tại vị trí cách cầu Trung Quán khoảng 1,8 km về phía Tây, vượt đường sắt hiện tại và Tỉnh lộ 16, qua khu vực thưa dân cư và đất nông nghiệp và vùng đồi thấp các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy sang địa phận tỉnh Quảng Trị.
Từ ranh giới tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị, tuyến cơ bản đi song song với hướng tuyến đường bộ cao tốc, đi về phía Tây các hệ thống hồ lớn (Bảo Đài, La Ngà, Kinh Môn…), tiếp cận ga Đông Hà đặt tại phía Tây Tp. Đông Hà (gần trục đường Điện Biên Phủ). Tiếp theo, đi thẳng về phía Nam, vượt sông Thạch Hãn cách cầu đường sắt hiện tại khoảng 3,5 km về phía thượng lưu, tuyến cách thánh địa La Vang khoảng 2 km về phía Tây, vượt sông Ô Lâu sang địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam dự kiến bố trí 23 ga hành khách, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67 km. Theo đơn vị tư vấn, đây là cự ly phù hợp với vận tốc thiết kế 350 km/h, phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương và kinh nghiệm thế giới (với vận tốc nhỏ hơn 250 km/h, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 30-50 km; Với vận tốc trên 300 km/h, cự ly ga khoảng 50-70 km).
Tuyến kết nối phía Tây tỉnh Quảng Trị, sau khi đi qua ga Hải Lăng tuyến rẽ trái cắt qua đường sắt Bắc - Nam, cắt qua QL1, đến địa phận xã Phong Hòa (Thừa Thiên Huế), đi giữa ranh giới Khu công nghiệp Phong Điền hiện hữu và Quy hoạch Khu công nghiệp Phong Điền mở rộng.
Tiếp đó, đường sắt tốc độ cao vượt sông Hương sang địa phận huyện Phú Vang, cắt qua dự án thương mại kết hợp bến tàu xã Phú Thành, cắt qua khu C, D, E của Khu đô thị mới An Vân Dương, rồi cắt qua xã Phú Mỹ, đi qua xã Phú Hồ, Phú Lương, cắt qua khu vực quy hoạch thị trấn Phú Đa, đi qua xã Phú Gia, Vinh Hà. Tuyến qua khu vực đầm Cầu Hai, vượt QL49B vào Khu kinh tế Chân Mây, rẽ phải vượt QL1A và đường sắt hiện tại, qua đèo Hải Vân sang địa phận TP. Đà Nẵng.
Huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng nơi dự kiến đặt ga đường sắt tốc độ cao - Ảnh: Thanh Nguyên
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, sau khi vượt đèo Hải Vân, tuyến đi men theo lưu vực sông Cu Đê, đi cùng hành lang, chạy song song về phía Đông đường bộ cao tốc. Vị trí ga đặt tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc. Sau khu vực nhà ga, hướng tuyến vẫn bám theo đường bộ cao tốc, đi kẹp giữa đường bộ cao tốc và đường sắt hiện tại sang địa phận tỉnh Quảng Nam.
Đến đoạn Quảng Nam - Quảng Ngãi, hướng tuyến đi gần song song về phía Đông tuyến đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc. Vị trí ga Tam Kỳ đặt tại phía Tây, gần tuyến tránh TP. Tam Kỳ.
Trên địa phận tỉnh Quảng Nam bố trí ga hàng hóa Chu Lai tại khu vực giáp ranh xã Tam Hiệp và xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam gần đường ĐT 617. Nhà ga này sẽ phục vụ kết nối với khu vực Cảng hàng không Chu Lai, các cảng biển Kỳ Hà, Dung Quất.
Sau đó tuyến cơ bản đi về phía Tây đường bộ cao tốc, qua khu vực Dốc Sỏi vào địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp đó, tuyến vẫn đi theo hướng đường bộ cao tốc hiện tại đi về phía TP. Quảng Ngãi. Ga Quảng Ngãi đặt tại khu vực phía Tây thành phố, gần trục đường Hoàng Hoa Thám.
Từ ga Quảng Ngãi, tuyến chạy cơ bản song song về phía tây đường sắt hiện tại trên địa phận huyện Nghĩa Hành, vượt sông Vệ tại vị trí cách cầu sông Vệ của đường sắt hiện tại khoảng 2 km về phía thượng lưu. Trên huyện Mộ Đức và Đức Phổ, tuyến chạy giữa đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc. Cuối địa phận thị trấn Đức Phổ, tuyến vượt đường bộ cao tốc, đi về phía Tây vượt đèo Bình Đê và sang địa phận tỉnh Bình Định.
Từ ranh giới với tỉnh Bình Định, tuyến đi cùng hành lang về phía Tây đường bộ cao tốc đến khu vực ga Bồng Sơn, thuộc địa phận xã Hoài Tân và thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Sau đó tuyến đường sắt vượt qua đường bộ cao tốc, đi về phía thành phố Quy Nhơn. Vị trí ga Diêu Trì đặt tại khu vực xã Phước An, huyện Tuy Phước, sau đó vượt đèo Cù Mông sang địa phận tỉnh Phú Yên.
Từ đây, tuyến tiếp tục đi về phía Tây đường bộ cao tốc, đến TX. Sông Cầu, tuyến đi về phía Đông đường bộ cao tốc. Đến khu vực thành phố Tuy Hòa, có hai phương án tuyến đi vào khu vực trung tâm và đi vòng tránh về phía Tây đô thị. Phương án đi về phía Tây đô thị được lựa chọn, vị trí ga Tuy Hòa đặt tại xã Hòa Thành, TX. Đông Hòa, cách sân bay khoảng 4,2 km về phía Tây.
Sau đó tuyến đi cùng hành lang với đường bộ cao tốc, vượt đèo Cả sang địa phận tỉnh Khánh Hòa. Từ ranh giới với tỉnh Phú Yên, tuyến qua khu vực Đèo Cả, Cổ Mã, đi về phía Tây QL1A và đường sắt hiện tại. Vị trí ga Diên Khánh được đặt xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh gần QL27C, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 11km về phía Tây. Ga hàng hóa Vân Phong được bố trí tại xã Ninh An, TX. Ninh Hòa để đảm bảo đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển của khu kinh tế Vân Phong.
Dự kiến 1 ga đường sắt tốc độ cao được xây dựng tại phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Sau đó, tuyến đi chung hành lang với đường bộ cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, vào địa phận tỉnh Ninh Thuận. Tuyến cơ bản đi trong hành lang giữa QL1A, đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc. Qua thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tuyến đi song song về phía Đông và cách đường sắt hiện tại khoảng 2km. Ga Tháp Chàm được bố trí tại khu vực phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang - Tháp Chàm gần vị trí giao QL27. Sau đó, tuyến đi về phía Nam, qua khu vực Cà Ná vào địa phận tỉnh Bình Thuận.
Từ khu vực Cà Ná, tuyến cơ bản đi chung hành lang về phía Đông của đường bộ cao tốc, đi về vị trí ga Phan Rí đặt tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, cách trung tâm TX. Phan Rí Cửa khoảng 5 km. Tiếp theo, tuyến vượt sông Lũy, đi về phía Bắc dự án điện mặt trời Bình Tân 1 & 2, đi về phía Tây núi Tà Zon, đi song song về phía Đông đường sắt hiện tại về ga Mương Mán thuộc xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam đặt cách ga Mương Mán hiện tại khoảng 0,4 km, cách trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 13,2 km. Tiếp đó, tuyến đi song song về phía Đông đường sắt hiện tại, đi về phía Bắc thị trấn Tân Minh, qua phía Bắc khu công nghiệp Tân Đức và đi về phía tỉnh Đồng Nai.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tuyến cơ bản đi chung hành lang về phía Đông tuyến đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đến địa phận huyện Cẩm Mỹ, tuyến rẽ trái đi vào đường trục trung tâm sân bay quốc tế Long Thành, bố trí thêm nhánh rẽ phải đi dọc theo đường Vành đai 4 lên phía Bắc để kết nối với ga Trảng Bom phục vụ trung chuyển hàng hóa.
Ga hành khách Long Thành đặt tại khu vực trung tâm sân bay thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Sau đó tuyến đi về phía Nam, dọc theo hành lang tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để về ga Thủ Thiêm là ga cuối của dự án.
Tùng Lộc