Hút vốn cho chuyển đổi xanh

Hút vốn cho chuyển đổi xanh
3 giờ trướcBài gốc
Tài chính xanh được xem là "tiền cho tương lai xanh".
Thách thức từ nguồn vốn
Năm 2024 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh tại Việt Nam. Trước đây, năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai do chi phí đầu tư cao, tuy nhiên những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã giúp thúc đẩy thị trường này. Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, nơi có tiềm năng tài nguyên dồi dào.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp cũng là một trong những ngành trọng điểm trong chuyển đổi kinh tế xanh. Nông nghiệp hữu cơ và sản xuất nông sản sạch đang trở thành xu hướng tại Việt Nam, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo phát triển bền vững. Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị và sản lượng của các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Dù chuyển đổi xanh mang lại cơ hội và lợi ích, thế nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tại Việt Nam, như vấn đề tài chính, nhận thức về lợi ích dài hạn và chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, vấn đề tài chính là một khó khăn lớn. Các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn này tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Trên thực tế, huy động tài chính phát triển không chỉ là chìa khóa để mở rộng cánh cửa chuyển đổi năng lượng, mà còn là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra việc làm mới và cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc gia tăng quy mô đầu tư vào năng lượng sạch là vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Các tổ chức tài chính có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều dự án năng lượng sạch hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, từ đó thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư tư nhân.
Tìm dòng vốn xanh ở đâu?
Thu hút vốn cho chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0. Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về vào năm 2050. Với nguồn lực khổng lồ như vậy rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành và định chế tài chính quốc tế, đặc biệt của các doanh nghiệp.
Để hút vốn cho chuyển đổi xanh, theo các chuyên gia, sự tham gia của các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân có thể tác động đến sự phát triển, cũng như tăng cường quy mô nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi xanh. Bà Kitty Bu - Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á - Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) nhận định, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là khi đất nước mở rộng quy mô các công nghệ như hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Các mô hình tài chính hỗn hợp, chẳng hạn như các khoản vay ưu đãi, trái phiếu xanh và bảo lãnh, có thể giảm rủi ro đầu tư và thu hút vốn tư nhân. Các cơ chế này không chỉ mang lại sự ổn định về tài chính mà còn cho phép các dự án đổi mới trở nên khả thi bằng cách giải quyết các rào cản như vốn cao và rủi ro của thị trường.
Do đó, các nhà đầu tư tư nhân nên tập trung vào các cơ hội có thể mở rộng quy mô với tiềm năng cao. Ví dụ, các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời cho các khu công nghiệp có thể thúc đẩy quá trình khử carbon trong lĩnh vực sản xuất đồng thời mang lại lợi nhuận ổn định. Tương tự như vậy, các sáng kiến năng lượng tái tạo do cộng đồng lãnh đạo, chẳng hạn như lưới điện vi mô năng lượng mặt trời, mang đến cơ hội tăng trưởng toàn diện bằng cách cung cấp điện cho các khu vực và trao quyền cho các doanh nghiệp địa phương.
Theo bà Kitty Bu, để tăng nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi xanh thông qua các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân thì hợp tác là chìa khóa. Quan hệ đối tác nhiều bên liên quan giữa các nhà đầu tư tư nhân, ngân hàng phát triển và các tổ chức chính phủ có thể đảm bảo rằng nguồn tài chính phù hợp với các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, các quan hệ đối tác này nên ưu tiên tính minh bạch và rõ ràng về chính sách để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư. Bằng cách tận dụng các cách tiếp cận này, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân không chỉ có thể đạt được lợi nhuận cao mà còn đóng góp vào tương lai năng lượng bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi cho Việt Nam.
“Việt Nam nên ưu tiên các chương trình đào tạo lại công nhân để hỗ trợ những người chuyển từ ngành nhiên liệu thông thường sang năng lượng tái tạo. Truyền thông minh bạch và sự tham gia của công chúng xây dựng lòng tin, đảm bảo rằng cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi” - bà Kitty Bu khuyến nghị.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/hut-von-cho-chuyen-doi-xanh-10298400.html