Sáng 10/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng nhằm quán triệt, cụ thể hóa các định hướng lớn vào thực tiễn ngành nông nghiệp và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu
Huy động sự vào cuộc của khu vực tư trong phát triển khoa học công nghệ
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Đỗ Đức Duy cho rằng: "Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Nghị quyết số 57 đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, như: Biến đổi khí hậu gay gắt hơn, tài nguyên suy giảm nhanh hơn, áp lực tăng trưởng xanh - phát thải thấp cao hơn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống - vốn dựa vào lao động thủ công, đầu vào vật tư lớn - không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Muốn thay đổi cục diện, muốn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, muốn bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và các thế hệ sau - chúng ta bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển".
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến ứng dụng công nghệ - từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến giám sát môi trường bằng cảm biến, xây dựng bản đồ số, cơ sở dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. "Đây là những chuyển biến tích cực của ngành, nhưng để xác định đột phá, phát triển như yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW - chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa nhất là trong ngành nông nghiệp và môi trường cần: Khắc phục điểm nghẽn về thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay những quy định để tháo gỡ, cắt giảm triệt để các điều kiện, thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, sản xuất, thương mại các sản phẩm. Không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu thực tế thời gian qua, việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu từ các cơ sở khoa học công nghệ công lập mà ít có những đề xuất thực tiễn từ doanh nghiệp, thậm chí là từ người nông dân. Bởi vậy, nhiều đề tài nghiên cứu xong không gắn với yêu cầu của thực tiễn phát triển và vì thế nghiên cứu xong rồi rất khó có thể thương mại hóa hoặc không có khả năng thương mại hóa để đi vào thực tiễn cuộc sống. Bộ Nông nghiệp và Môi trường mong muốn, từ năm 2026 trở đi các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được đặt hàng từ thực tiễn, từ doanh nghiệp, từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là chủ yếu. Các cơ sở nghiên cứu khoa học hoàn toàn vẫn có thể đề xuất các nhiệm vụ để cơ quan quản lý xem xét, phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan các mô hình nghiên cứu mới tại hội nghị
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư rất mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong ngành nông nghiệp và nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong và tạo ra giá trị gia tăng rất lớn.
"Vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu thay đổi thể chế, chính sách như thế nào để huy động sự vào cuộc, sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành. Cần đổi mới hoàn toàn phương thức giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm theo cơ chế đấu thầu đặt hàng, trong đó các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phục vụ thực tiễn. Các sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa phục vụ sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Không quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.
TS Phan Xuân Dũng phát biểu
Theo TS Phan Xuân Dũng, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại. Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có.
TS Phan Xuân Dũng nhấn mạnh vai trò nền tảng của ngành nông nghiệp và môi trường. Từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết các biên bản hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ với các tổ chức, đối tác...
Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên - những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết 57.
Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức KHCN trên cả nước, TS Dũng cho biết, tổ chức đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, Liên hiệp còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần.
TS Phan Xuân Dũng kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.
Văn Ngân/VOV.VN