Huy động nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Huy động nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
4 giờ trướcBài gốc
Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong đầu tư sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo cho học sinh tập luyện thể thao -Ảnh: X.V
Gần đây nhất, sở đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số175 ngày 18/10/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 11 ngày 30/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024- 2025 trên địa bàn tỉnh cùng nhiều quyết định, kế hoạch, công văn chỉ đạo của tỉnh về phát triển ngành GD&ĐT.
Việc ban hành chính sách của tỉnh tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của ngành, đồng thời góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học; triển khai thực hiện cam kết trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và Giám đốc Sở GD&ĐT với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2024, đồng thời giao nhiệm vụ các phòng, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ do Bộ GD&ĐT và tỉnh giao. Các phòng GD&ĐT cấp huyện, cơ sở giáo dục tích cực tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phê duyệt, triển khai thực hiện nhiều đề án, nghị quyết, kế hoạch phát triển GD&ĐT đạt kết quả tốt.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ, Sở GD&ĐT, các đơn vị, trường học thực hiện đúng quy chế, phát huy vai trò của tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 95 ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2025, Sở GD&ĐT tổ chức triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bằng giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Sở cũng đã phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, nhà trường rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch. Đồng thời chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển quỹ đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất và lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn.
Trong học kỳ I năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và cấp bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia 30 đơn vị, đang hoàn thiện quy trình đánh giá ngoài 16 đơn vị.
Tính đến ngày 15/1/2025, tổng số trường trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia là 230/366 trường (chỉ tính khối các trường công lập), đạt 62,84%, trong đó mầm non đạt 71,43 %, tiểu học đạt 54,55%, tiểu học và trung học cơ sở đạt 60,49%, trung học cơ sở đạt 54,76%, trung học phổ thông đạt 66,67%, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt 16,67%.
Sở cũng đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tiếp tục triển khai đẩy nhanh thực hiện dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú và xây dựng Trường THPT Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa, dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT.
Đối với việc triển khai thực hiện tiểu dự án 1 - dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, sở cùng với UBND các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh tích cực tham mưu phân bổ, huy động, lồng ghép nguồn lực để triển khai thực hiện đúng chương trình đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2024, đã huy động được 118.413 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và tổ chức các lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương 105.365 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 44.816 triệu đồng, vốn sự nghiệp 60.549 triệu đồng), nguồn ngân sách địa phương 12.555 triệu đồng, vốn đóng góp của người dân, cộng đồng 493 triệu đồng.
Từ năm 2023 đến nay, đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng 30 phòng học, 10 phòng học bộ môn, 60 phòng công vụ giáo viên, 12 phòng ở học sinh, 7 nhà bếp, 4 nhà ăn, 4 nhà vệ sinh, 4 công trình nước sạch và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Hiện đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện 31 phòng công vụ giáo viên, 24 phòng ở học sinh, 2 phòng quản lý học sinh, 1 nhà bếp, 2 nhà ăn...
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của nhiều trường học chưa đáp ứng đủ yêu cầu và chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng học bộ môn, tỉ lệ nhà vệ sinh và nước sạch chưa đạt chuẩn còn cao.
Do đó, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tăng tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhất là đối với cấp học mầm non, trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên và công trình vệ sinh, nước sạch trong các trường học.
Sở GD&ĐT và các địa phương tiếp tục phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, đồng thời triển khai thực hiện mức thu học phí và quản lý tài chính, tài sản theo đúng quy định.
Xuân Vinh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/huy-dong-nguon-luc-xay-dung-truong-dat-chuan-quoc-gia-191645.htm