Israel tấn công Lebanon trên bộ, Mỹ khó 'rút chân' khỏi 'vũng lầy' Trung Đông

Israel tấn công Lebanon trên bộ, Mỹ khó 'rút chân' khỏi 'vũng lầy' Trung Đông
8 phút trướcBài gốc
Sáng 1/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tuyên bố bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ vào phía Nam Lebanon nhằm chống lại Hezbollah, bất chấp những lời kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ. Theo tuyên bố của IDF, chiến dịch này nhắm vào các vị trí của Hezbollah tại các làng gần biên giới, được xem là “mối đe dọa đối với cộng đồng dân cư ở phía Bắc Israel”.
Tin tức về cuộc tấn công Lebanon xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng bắn ở Trung Đông trong một cuộc phỏng vấn tại Nhà Trắng. Các nhà quan sát nhận định rằng, cuộc tấn công trên bộ của Israel đang làm nổi bật thực tế rằng, Mỹ dường như đã thất bại trong nỗ lực kiềm chế Tel Aviv và khiến xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty
Chảo lửa “Trung Đông” sôi sục
Tình hình Trung Đông “căng như dây đàn” trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang tiến vào giai đoạn nước rút. Còn rất ít thời gian để chính quyền ông Biden – bà Harris tạo ra tác động đủ lớn để xoay chuyển tình hình theo hướng có lợi cho đảng Dân chủ và có vẻ như, Thủ tướng Israel đã nhìn thấu điều này. Đó là lý do ông Netanyahu không ngần ngại đưa ra lời cảnh báo đanh thép nhắm vào Iran ngay trên sóng truyền hình nhà nước: “Không nơi nào ở Trung Đông nằm ngoài tầm với của Iran”.
Trong ngày 1/10, Hezbollah vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công mới vào miền Bắc Israel "nhằm hỗ trợ người dân Palestine ở Dải Gaza và đáp trả các cuộc tấn công của Israel”. Đầu tuần này, Phó thủ lĩnh Hezbollah Sheikh Naim Qassem đã có bài phát biểu đầu tiên kể từ khi thủ lĩnh Nasrallah qua đời, khẳng định rằng "lực lượng này đã sẵn sàng cho một cuộc giao tranh trên bộ".
Các cuộc đụng độ dữ dội giữa Israel và Hezbollah trong năm qua đã buộc hơn 67.000 người Israel phải sơ tán khỏi quê nhà phía Bắc, trong khi ở bên kia biên giới, hơn 1 triệu người Lebanon cũng chịu chung tình cảnh.
Trên Biển Đỏ, Houthi cũng đã tăng cường các cuộc tấn công vào Israel trong những tuần gần đây. Ngay sau khi tuyên bố tấn công vào lãnh thổ Lebanon, IDF cho biết đã đánh chặn thành công một quả đạn của Houthi trên Biển Địa Trung Hải.
Truyền thông nhà nước Syria hôm 1/10 trước đó đưa tin lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn "các mục tiêu thù địch" ở vùng lân cận Damascus 3 lần liên tiếp trong một đêm. Cùng ngày, một căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ đồn trú gần sân bay quốc tế Baghdad cũng bị tập kích.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ
Nhà báo Stephen Collinson của tờ CNN lập luận rằng, ông Netanyahu thường có xu hướng “hành động trước rồi mới tham khảo ý kiến Mỹ sau”, ngay cả khi hành động của ông chắc chắn sẽ làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và làm gia tăng nỗi lo sợ rằng Mỹ sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột tại khu vực. Trước đó, Mỹ đã không được thông báo trước về cuộc không kích của Israel hôm 27/9 nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.
“Cách tiếp cận này của Israel khiến chính quyền ông Biden giống như một khán giả hơn là một bên tham gia tích cực vào sự kiện, như những gì một siêu cường nên làm. Nhiều tháng ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Antony Blinken dường như không mang lại kết quả gì. Cho đến nay, Israel và Hamas vẫn chưa đạt được đồng thuận về một lệnh ngừng bắn”, ông Collinson nói.
Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, việc ông Biden không thể kiềm chế Israel ở Dải Gaza và bây giờ là Lebanon đã làm chia rẽ đảng Dân chủ, có nguy cơ làm giảm tỉ lệ ủng hộ từ cử tri theo đường lối cấp tiến và cử tri gốc Ả Rập, đặc biệt ở các tiểu bang dao động như Michigan. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm trừng phạt Israel đều có thể gây tổn hại uy tín của bà Harris trong nhóm các cử tri ôn hòa.
“Trước thế tiến thoái lưỡng nan của ông Biden, Thủ tướng Netanyahu đã đặt cược rằng Mỹ sẽ không quay lưng lại với Israel”, ông Collinson nhận định.
Hồi tháng 4, Mỹ và các đồng minh đã giúp đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhắm vào Israel, nhằm trả đũa vụ tập kích vào lãnh sự quán Iran ở Syria khiến 8 sỹ quan cao của nước này thiệt mạng.
Hiện tại, có vẻ như Mỹ sẽ khó “rút chân” khỏi “vũng lầy” Trung Đông. Một báo cáo mới đây của CNN cho thấy những quả bom 2.000 pounds (hơn 900 kg) do Mỹ sản xuất có khả năng đã được sử dụng trong cuộc tấn công vào Beirut tuần trước, đe dọa châm ngòi một cuộc xung đột khu vực có thể gây tổn hại đến lợi ích và mục tiêu ngoại giao của Mỹ tại đây.
Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?
Quan hệ giữa Mỹ và Israel đã trở nên căng thẳng trong nhiều tháng, đặc biệt khi giới chức Mỹ tức giận vì nhà lãnh đạo Israel đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah của một nhóm quốc gia do Mỹ dẫn đầu.
Cựu đại tá Cedric Leighton, một nhà phân tích quân sự của đài CNN, cho biết các cuộc trò chuyện giữa giới chức Israel và Mỹ khi Tel Aviv dự kiến tấn công vào miền Nam Lebanon là "khá căng thẳng".
“Trên thực tế, Mỹ và Israel đều muốn chấm dứt xung đột. Washington đang cố gắng hạn chế phạm vi hoạt động quân sự của nước này nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Thế nhưng, Israel lại coi Hezbollah là ngòi nổ chiến tranh và muốn loại bỏ mối đe dọa này một lần và mãi mãi”, ông Leighton nói.
Khói bốc lên từ hiện trường vụ không kích của Israel ở Marjayoun, gần biên giới Lebanon-Israel ngày 23/9. Ảnh: Getty
Nhà Trắng đang tim cách tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông, sau hai thập kỷ nỗ lực rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan. Các tiền đồn của Mỹ vẫn còn trong khu vực, bao gồm ở Syria và Iraq, rất dễ bị tấn công bởi các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Trước đó, hồi tháng 1, ba quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Jordan.
Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh thường xuyên phải hứng chịu những đợt tấn công bằng tên lửa đánh chặn từ lực lượng Houthi trên Biển Đỏ. Washington vẫn đang nghĩ cách giải quyết các hậu quả kinh tế lâu dài khi khi các tàu chuyển hàng phải lựa chọn một tuyến đường dài hơn xung quanh châu Phi nhằm tránh khu vực giao tranh. Các cuộc đụng độ tại khu vực này cũng khó có thể kết thúc trong trong thời gian ngắn khi cuộc xung đột tại Gaza và mới đây nhất là Lebanon vẫn đang diễn biến phức tạp.
Song, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ ngừng viện trợ cho Israel. Đầu tuần này, Lầu Năm Góc thông báo sẽ gửi thêm hàng nghìn quân lính Mỹ đến khu vực này, cùng với các phi đội máy bay phản lực chiến đấu và các thiết bị khác để tăng cường an ninh và hỗ trợ phòng thủ cho Israel. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố triển khai thêm tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới khu vực Trung Đông vào đầu tháng 8.
Sự xuất hiện của USS Abraham Lincoln nâng tổng số tàu sân bay Mỹ tại khu vực lên 2 chiếc - ít nhất là tạm thời, vì tàu Abraham Lincoln sẽ thay thế tàu USS Theodore Roosevelt - vào thời điểm lo ngại về xung đột khu vực gia tăng sau các vụ ám sát cấp cao do Israel thừa nhận hoặc bị cáo buộc.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/israel-tan-cong-lebanon-tren-bo-my-kho-rut-chan-khoi-vung-lay-trung-dong-post1125350.vov