Kể chuyện 'Bàng ơi' tại nhà tù Hỏa Lò

Kể chuyện 'Bàng ơi' tại nhà tù Hỏa Lò
3 giờ trướcBài gốc
Theo Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng – loài cây bình dị, xuất hiện trên khắp các con phố và đường làng mọi miền đất nước – đã trở thành một “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến cuộc sống gian khổ và những cuộc đấu tranh kiên cường của các tù nhân chính trị tại Hỏa Lò. Từng phần của cây bàng, từ gốc, ngọn, lá, cành đến quả, đều được các tù nhân trân trọng và tận dụng trong cuộc sống hàng ngày. Cây bàng không chỉ mang lại bóng mát mà còn là nguồn động viên, nuôi dưỡng tinh thần và thể chất cho hàng ngàn chiến sĩ, góp phần quan trọng vào những chiến công trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù.
Cổng vào khu trưng bày Bàng ơi tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Thùy Linh)
Trưng bày “Bàng ơi…!” giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng trên đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa. Thông qua đó, chúng ta thêm hiểu và trân quý loài cây bình dị này, dù sinh trưởng trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng vẫn kiên cường vươn lên, tỏa bóng mát. Trưng bày còn là lời tri ân, tưởng nhớ công lao và sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Nhiều chiến sĩ, sau khi thoát khỏi "địa ngục trần gian", đã tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào công cuộc giải phóng Thủ đô.
Trưng bày được chia thành hai phần: “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò” và “Bàng ơi!”. Ở phần đầu tiên - “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò”, giới thiệu về giá trị của cây bàng như một người bạn đồng hành với cuộc sống của tù chính trị. Cây bàng không chỉ là bóng mát mà còn là nơi đặt hòm thư mật, cành bàng được chế tác thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, và nhạc cụ. Vỏ bàng được sắc nước uống để chữa bệnh, lá bàng là dược liệu quý, còn quả bàng là “thần dược” và “nguồn vitamin” giúp tù nhân hồi sinh. Đặc biệt, trưng bày còn nhắc đến cây bàng trong sân trại nữ do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng năm 2001.
Khu trưng bày Bàng ơi. (Ảnh: Thùy Linh)
Phần thứ hai của trưng bày “Bàng ơi!” giới thiệu những nét nổi bật của cây bàng trên đất nước Việt Nam, bàng trong thơ ca, nhạc, họa. Nổi bật nơi hải đảo xa xôi, bàng trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của tù chính trị nhà tù Côn Đảo. Cùng với những cây bàng Côn Đảo, cây bàng vuông cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp, giá trị riêng có của bàng nơi biển xa, minh chứng cho sức sống của bàng nơi biển đảo. Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Cùng với bàng Côn Đảo, bàng vuông cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp và giá trị riêng của loài cây nơi biển xa. Còn được gọi là bàng bí hay bàng Trường Sa, bàng vuông là loài cây đặc hữu của vùng biển đảo, xuất hiện tại các đảo như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng như: Mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh và cây bàng có tuổi thọ lớn nhất Việt Nam (năm 2020), mang đến một không gian trải nghiệm sống động về loài cây này. Đến đây du khách không chỉ thăm quan và biết thêm về cây bàng mà còn được trải nghiệm các sản phẩm làm từ bàng như trà sữa bàng, thạch bàng, trà bàng, bánh bàng và các sản phẩm lưu niệm khác.
Trưng bày "Bàng ơi...!" giới thiệu câu chuyện về cây bàng trong thời chiến. (Ảnh: Thùy Linh)
Du khách đến thăm quan khu trưng bày. (Ảnh: Thùy Linh)
Hình ảnh cây bàng theo năm tháng. (Ảnh: Thùy Linh)
Trưng bày "Bàng ơi...!" cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.
Trưng bày "Bàng ơi...!" diễn ra từ 8/10/2024 đến 31/12/2024.
Thùy Linh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ke-chuyen-bang-oi-tai-nha-tu-hoa-lo-351048.html