Một số hiện vật quý trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Ảnh: Hà Anh)
Tấm huy hiệu Đại hội Đảng lần thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc nồi dùng nấu thạch in tài liệu cho Huyện ủy Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thời kỳ 1930-1931 hay chiếc đèn pin được người dân Lạng Sơn đưa cho đồng chí Hoàng Văn Thụ dùng trong thời gian hoạt động từ năm 1940-1943... đều là những hiện vật minh chứng cho hành trình 95 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những ngày đầu Xuân 2025, người dân Thủ đô Hà Nội sống trong không khí rộn ràng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đặc biệt, thông qua hàng trăm hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý giá đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đảng viên, đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự ra đời, lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như kết nối sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tái hiện những mốc son lịch sử
Giới thiệu hơn 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh về hành trình của Đảng Cộng sản Việt Nam trong dịp này, TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết Bảo tàng mong muốn tái hiện những mốc son lịch sử, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự lực tự cường, tạo động lực tích cực cho mỗi người dân Việt Nam đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tới đây, công chúng được trực tiếp tìm hiểu các nghị quyết, văn kiện của Đảng, những tác phẩm, bài phát biểu quan trọng của các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước qua các kỳ Đại hội như: Sách Bản án chế độ thực dân Pháp, sách Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Nhất, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về “Công nhân vận động” và “Nông dân vận động” vào tháng 10/1930…
Đây cũng là dịp người dân tận mắt thấy Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo, được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ Nhất, tháng 10/1930; Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh, viết năm 1951; Diễn văn khai mạc (có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bằng bút bi đỏ) trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ngày 5/9/1960; Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Bộ Chính trị trình bày ngày 15/12/1986...
Đáng chú ý, trưng bày giới thiệu nhóm hiện vật quý khác như chiếc đũa nhạc trưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, bắt nhịp bản “Kết đoàn” trong buổi dạ hội chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng do Đoàn Thanh niên Lao động tổ chức tại Bách thảo Hà Nội vào ngày 19/9/1960; chiếc hòm được sử dụng bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng vào tháng 12/1976…
Nhiều bạn trẻ ấn tượng với chiếc thảm len thêu hình búa liềm tuyệt đẹp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Đống Đa, Hà Nội chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng vào tháng 3/1982 cùng những vật dụng sinh hoạt mà nhân dân sử dụng để giúp đỡ các nhà hoạt động cách mạng trong thời kỳ đầu xây dựng Đảng.
Đó là chiếc nồi mà bà Hoàng Thị Thảo (vợ đồng chí Hồ Tùng Mậu - nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam) dùng nấu thạch in tài liệu cho Huyện ủy huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thời kỳ 1930-1931, chiếc đèn đất sét mà bà Trần Thị Khánh đưa cho đồng chí Nguyễn Văn Trạch dùng khi hội họp, in tài liệu Đảng tại Hải Dương vào thời kỳ 1939-1941.
Qua các kỷ vật đơn sơ này, nhiều người biết thêm về câu chuyện gia đình cụ Tiệp đã nấu cháo cho đồng chí Hoàng Quốc Việt khi hoạt động ở Bắc Ninh hồi năm 1940; cụ Mã Viết Lã ở Lũng Nghiến, Lạng Sơn đưa cho đồng chí Hoàng Văn Thụ một chiếc đèn pin để dùng trong thời gian hoạt động từ năm 1940-1943; cụ Đám Thi ở Đình Bảng, Bắc Ninh đã dọn cơm cho các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng vào năm 1940…
Từ ấm trà mà bà Dương Thị Lình ở Cao Bằng dùng đựng nước tiếp tế cho đồng chí Phạm Văn Đồng trong những năm 1942-1944 đến chiếc bật lửa mà bà Nông Thị Den đưa cho đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng khi hoạt động cách mạng năm 1944 tại Cao Bằng, các hiện vật đã tự kể những câu chuyện xúc động về tình quân dân, nghĩa đồng bào...
Khách tham quan trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Ảnh: Hà Anh)
Tinh thần đồng hành cùng dân tộc
Với chủ đề “95 năm đồng hành cùng dân tộc”, triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đóng góp bức tranh sinh động về chặng đường 95 năm Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo đất nước. Triển lãm tiếp tục khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn mang tầm vóc thời đại, làm thay đổi cuộc đời mỗi người dân và vận mệnh của dân tộc.
Tại đây, công chúng không những được tìm hiểu những tài liệu quý về Đảng Cộng sản mà còn được chiêm ngưỡng một số hiện vật liên quan cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sưu tầm từ Pháp vào năm 2024 như tấm danh thiếp thợ ảnh của Nguyễn Ái Quốc được vẽ lại theo tư liệu gốc phục vụ triển lãm “Hồ Chí Minh ở Paris” tại Bảo tàng Lịch sử sống Montreuil, năm 2007, bút tích chữ ký của Người trong trang Sổ vàng của thành phố Paris tại Tòa thị chính, ngày 4/7/1946…
Một kỷ vật nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm huy hiệu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang – sự kiện đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của cách mạng nước ta, đặt nền móng cho những thắng lợi tiếp theo trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước.
Tấm huy hiệu có chất liệu bằng kim loại, đường kính 4,5cm; chính giữa khắc nổi dòng chữ “Đại hội lần thứ hai”; vòng ngoài là dòng chữ “Đảng Cộng sản Đông Dương” và hình búa liềm với màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng đồng. Huy hiệu là minh chứng lịch sử về sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng lại chiếc huy hiệu này cho đồng chí Tạ Quang Chiến - chiến sĩ bảo vệ Người từ năm 1945-1957. Và năm 1987, đồng chí Tạ Quang Chiến đã gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số tài liệu hiện vật, trong đó có chiếc huy hiệu này.
Với rất nhiều tâm huyết và kỳ vọng dành cho triển lãm dịp này, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, có thể khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng được tôi luyện, thử thách, không ngừng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử dẫn dắt dân tộc, xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.
Tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào ngày đầu Xuân, anh Nguyễn Việt Trung, cựu sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ cảm xúc tự hào: “Hành trình 95 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ mang lại cho tôi niềm tin, lòng tự hào mà cả những trăn trở làm sao ra sức học tập, rèn luyện hơn nữa để xứng đáng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế của đất nước hôm nay cũng như với hy sinh, đóng góp của các thế hệ tiền bối”.
Nhận thức của thế hệ trẻ về Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định thêm niềm tin Đảng sẽ luôn hiện diện, ở mọi nơi, mọi lúc và gắn bó mật thiết với nhân dân. Như đúc kết của TS. Vũ Mạnh Hà, tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục sẽ đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
HÀ ANH