Khai mở dư địa
Sau hợp nhất, Quảng Ngãi trở thành tỉnh nằm trong tốp các tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (đứng thứ 5), có cửa khẩu, cảng biển, đặc khu. Đặc biệt, có 2 KKT “đóng chân” ở 2 đầu hành lang kinh tế Đông - Tây là KKT Dung Quất và KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Vì vậy, việc khai mở dư địa bằng các chính sách, quy hoạch, kế hoạch là điều rất quan trọng, được Quảng Ngãi quyết tâm thực hiện.
Đối với KKT Dung Quất, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi (cũ) đã xem xét, thông qua 1 đồ án quy hoạch phân khu và thẩm định, xem xét, trình hồ sơ thông qua 7 đồ án quy hoạch phân khu khác. Tỉnh cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn đầu tư ngoài ngân sách. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn KKT Dung Quất, từng bước hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư. Trong 6 tháng, đã có thêm 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất, với tổng vốn đăng ký gần 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 30/6, KKT Dung Quất đã có thêm 2 dự án khu đô thị được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía bắc với quy mô khoảng 1.320ha, tổng mức đầu tư khoảng 27 nghìn tỷ đồng và Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía nam khoảng 1.377ha, tổng vốn đầu tư hơn 27,5 nghìn tỷ đồng. Hai dự án trên nằm trong quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất, có chức năng phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ, tài chính và thương mại.
Xe vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Quảng Ngãi). Ảnh: VĂN HÒA
Đối với KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trước khi sáp nhập tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã thực hiện chủ trương Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Theo đó, KKT này được định hướng phát triển thành KKT động lực, trung tâm của tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, hướng tới trở thành đô thị loại II vùng biên giới vào năm 2025. Đồng thời, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum còn đề xuất lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đăk Tô; bổ sung quy hoạch, thành lập KCN sản xuất, chế biến dược liệu tập trung Đăk Tô để khai thác dư địa phát triển. Đối với 2 KCN hiện hữu là KCN Sao Mai và KCN Hòa Bình đã đi vào hoạt động, cũng được tiến hành quy hoạch lại, phù hợp với định hướng phát triển mới. Từ đó, tạo động lực thu hút đầu tư vào các KKT, KCN địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum (cũ) đã cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 5 dự án; cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 1 dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 1 dự án. Lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT, các KCN của Kon Tum (cũ) có 96 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.477 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện đầu tư 1.687 tỷ đồng. Trong đó, KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 52 dự án; KCN Hòa Bình có 41 dự án; KCN Sao Mai có 3 dự án. Hiện nay, các KKT, KCN này vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về thương mại, dịch vụ, đô thị, công nghiệp chế biến.
Khai thác sâu lợi thế
Khu Kinh tế Dung Quất là một trong những KKT ven biển thành công nhất của cả nước, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Hiện KKT này có gần 350 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 18,5 tỷ USD. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn như Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) đã và đang triển khai các dự án mới có quy mô lớn. Hiện nay, Bộ Chính trị có chủ trương xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất và Quảng Ngãi đang cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng đề án trình Thủ tướng phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để sớm triển khai thực hiện. Theo đó, Trung tâm này hoạt động theo mô hình tích hợp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng, nguyên liệu và vật liệu có chất lượng cao, ổn định, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Một góc cụm cảng biển nước sâu Dung Quất. Ảnh: TN
Khu Kinh tế Dung Quất có cảng biển nước sâu Dung Quất, với 7/9 bến cảng được Bộ Xây dựng công nhận nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam, là lợi thế cạnh tranh vượt trội để thu hút đầu tư. Bên cạnh đầu tư vốn ngân sách phát triển hạ tầng, Quảng Ngãi còn thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực này, đảm bảo điều kiện tốt nhất để DN yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh. Điển hình là KCN VSIP Quảng Ngãi, sau hơn 12 năm xây dựng, đã thu hút hơn 30 nhà đầu tư, chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động ngày càng hiệu quả. Tiếp nối thành công của KCN VSIP Quảng Ngãi, tháng 3/2025, nhà đầu tư này cũng đã khởi công thêm dự án KCN VSIP II Quảng Ngãi, quy mô khoảng 498ha. Ngoài ra còn có dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phát Đạt- Dung Quất 2, quy mô gần 449ha đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở phía tây tỉnh, nằm tại vị trí chiến lược ngã 3 biên giới giữa Việt Nam - Lào - Campuchia, không chỉ là điểm kết nối giao thương quan trọng mà còn là trung tâm trong tam giác phát triển 3 nước Đông Dương. Đây là KKT đóng vai trò đặc biệt trong việc hình thành và vận hành hành lang kinh tế Đông - Tây. Khi hình thành KKT này, địa phương đã xác định là KKT động lực, điểm nhấn trong chiến lược liên kết nội khối ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông, giữ vai trò kết nối các vùng kinh tế lớn trong nước với các nước trong khu vực. Việc khai thác sâu lợi thế KKT này, sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho tỉnh, cho đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tại Lễ công bố hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi (cũ) và Kon Tum (cũ) thành tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 30/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu tỉnh rà soát, tích hợp, cập nhật quy hoạch tỉnh, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; chiến lược phát triển vùng, trục hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Quảng Ngãi phải vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa mở rộng dư địa và không gian phát triển mới. Xây dựng mô hình phát triển địa phương dựa trên nền tảng đa dạng sinh thái kinh tế, đa trung tâm, đa động lực, đa nguồn lực, hướng tới tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định được những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế thời gian tới. Đó là thúc đẩy mối liên kết giữa KKT Dung Quất, KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với KKT mở Chu Lai (Đà Nẵng) để hình thành trung tâm công nghiệp trọng điểm của khu vực và cả nước. Hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất. Nghiên cứu thành lập các KCN ở những nơi có điều kiện theo quy hoạch. Đẩy mạnh huy động đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN và CCN, nhất là hệ thống giao thông kết nối và hệ thống xử lý chất thải. Định hướng phát triển KCN VSIP II là KCN công nghệ cao, thu hút đầu tư các ngành có hàm lượng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao...
HIẾU NHỊ