Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định, việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định đang mở ra những cơ hội để tái định vị du lịch Ninh Bình với quy mô và tầm vóc mới, khai phá những tiềm năng chưa được tận dụng, tạo đột phá cho sự phát triển liên vùng. Tỉnh Ninh Bình mới hội tụ đầy đủ điều kiện “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - tôn giáo hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên bên cạnh thời cơ to lớn, ngành Du lịch Ninh Bình cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Ông Bùi Văn Mạnh hy vọng, thông qua tọa đàm, ngành Du lịch Ninh Bình có thể tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp lớn trong tỉnh để xây dựng đề án phát triển du lịch; các giải pháp trong quản lý, thu hút đầu tư, liên kết các sản phẩm tạo đà phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Trước khi sáp nhập, 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (cũ) có nhiều lợi thế về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Trong đó, Hà Nam là điểm đến mới nổi, đã có thương hiệu trên bản đồ du lịch. Nam Định có tiềm năng du lịch lớn cả về văn hóa, sinh thái và biển, nhưng mức độ phát triển còn khiêm tốn, chưa có điểm đến du lịch hấp dẫn khách quốc tế. Ninh Bình (cũ) là điểm đến có thương hiệu mạnh trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực, được du khách và nhiều chuyên trang du lịch quốc tế đánh giá cao.
Quang cảnh tọa đàm.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh mới, sau hợp nhất, một cơ hội lớn đang mở ra cho tỉnh Ninh Bình. Đó là tái định vị du lịch Ninh Bình với quy mô và tầm vóc mới, khai phá những tiềm năng chưa được tận dụng, hứa hẹn tạo đột phá cho sự phát triển du lịch liên vùng. Việc hợp nhất không chỉ đơn thuần là sự mở rộng địa lý mà còn là sự kết hợp nguồn lực, văn hóa và lợi thế kinh tế của ba địa phương.
Đối với dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các đại biểu, chuyên gia đều đề cao tính cấp thiết của Đề án cũng như sự chuẩn bị chủ động, công phu, khoa học của ngành Du lịch Ninh Bình. Các đại biểu đề xuất một số ý kiến để Đề án hoàn thiện hơn, thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh, không gian mới, như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp văn hóa kết nối giá trị di sản; đẩy mạnh công nghệ số trong số hóa di sản; tăng cường tour trải nghiệm giáo dục, bổ sung loại hình du lịch nghiên cứu, khảo cổ…
Đại biểu phát biểu tham luận tại tọa đàm.
Các ý kiến đề xuất tại tọa đàm là những gợi mở quan trọng, sát thực để ngành Du lịch Ninh Bình nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.
Dự báo năm 2025, tổng lượng khách đến tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 20 triệu lượt, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 15.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2025 - 2030, Ninh Bình phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Tin, ảnh: Thùy Dung (TTXVN)