Kết nối sân bay Long Thành với Tân Sơn Nhất: Tàu điện ngầm hay đường sắt tốc độ cao?

Kết nối sân bay Long Thành với Tân Sơn Nhất: Tàu điện ngầm hay đường sắt tốc độ cao?
5 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất đang được xây dựng và cảng HKQT Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, việc kết nối hai sân bay này cũng như liên kết với hệ thống giao thông bên ngoài, với hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM cần được đẩy nhanh nghiên cứu và xem xét.
Cấp thiết có phương án kết nối hai sân bay
Mùng 4 Tết nguyên đán (1-2), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án sân bay Long Thành. Đây cũng là lần thứ 6 Thủ tướng đi kiểm tra thực tế dự án này.
Tại lần kiểm tra thứ 6 này, Thủ tướng đã có chỉ đạo liên quan đến việc làm đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng tuyến tàu điện ngầm. Trước đó, tháng 12-2024, cũng trong lần kiểm tra thực địa dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu phương án giao thông metro, tàu điện ngầm hoặc đường sắt tốc độ cao để kết nối các sân bay Long Thành, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để kết nối hai sân bay này.
Sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước. Ảnh: VH
Còn theo báo cáo cuối kỳ (tháng 6-2024) Lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt đầu mối TP.HCM của liên danh tư vấn (Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển GTVT) trình Bộ GTVT, có đề xuất phương án kết nối các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng đường sắt.
Theo đó, Quy hoạch mạng đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1769), kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành qua tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; kết nối cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất qua tuyến đường sắt đô thị (tuyến metro 4b kéo dài và tuyến số 2).
Việc kết nối giữa các nhà ga (T1, T2, T3) Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Cảng HKQT Long Thành cũng như liên kết với hệ thống giao thông bên ngoài, với hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM cần được nghiên cứu và xem xét phù hợp, thuận tiện cho hành khách trong quá trình di chuyển, báo cáo cuối kỳ nêu rõ.
Tuyến đường sắt kết nối hai sân bay dài 22 km theo đề xuất liên danh tư vấn. Ảnh: Liên danh tư vấn
Trong báo cáo cuối kỳ, Liên danh tư vấn nghiên cứu hướng tuyến bắt đầu từ ga Bà Quẹo (tuyến metro số 2) kết nối với nhà ga T3, T1 và T2 của sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tuyến đi theo đường Bạch Đằng, đến công Viên Gia Định, tuyến đi theo trục đường Phạm Văn Đồng. Đến ga Bình Triệu, qua ga Bình Triệu tuyến rẽ phải và đi theo hành lang đường Vành Đai 2, đến khu vực nút giao Phú Hữu.
Tại đây tuyến kết nối/trung chuyển với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đi Cảng HKQT Long Thành. Chiều dài dự kiến khoảng 22km. Hướng tuyến kết nối nhà ga T3, T2 và T1 của CHKQT Tân Sơn Nhất, trong đó có đoạn dự kiến đi ngầm qua khu vực kỹ thuật của sân bay.
Đường sắt đô thị, tàu điện ngầm hay đường sắt tốc độ cao?
Trao đổi với PV PLO, ông Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận định việc làm đường riêng để kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với Long Thành là quyết định đúng đắn, cần thiết, mang tính khả thi.
Trên thực tế, các đầu mối giao thông phải được kết nối với nhau, tương tự như các bến xe, bến thủy…phải kết nối để người dân di chuyển thuận lợi hơn, tốt hơn, việc trao đổi hàng hóa cũng dễ dàng hơn.
"Để giải bài toán kết nối này, đường sắt sẽ là lựa chọn phù hợp vì nó là loại hình vận chuyển người, hàng hóa quy mô lớn, giá thành rẻ. Tuy nhiên, việc làm đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao hay tàu hỏa còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, nguồn lực để quyết định loại hình đầu tư và Bộ GTVT cũng sẽ tính toán kỹ vấn đề này", ông Mười nói.
Bên cạnh đó, việc làm đường sắt cũng cần phải xác định phương án đi cao hay đi bằng hay đi ngầm, tính toán công tác giải tỏa đền bù, ông Mười gợi ý.
“Việc làm đường liên kết 2 cảng HKQT là rất quan trọng. Bởi lẽ trong tương lai, Long Thành sẽ là "thành phố" sân bay được đầu tư, phát triển cực nhanh, cực mạnh. Trong bối cảnh đó, metro sẽ là loại hình phù hợp với nhu cầu phát triển đó vì metro mang tính hiện đại và đang được thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ. Trong tương lai TP.HCM cũng sẽ hình thành một mạng lưới đường sắt đô thị kết nối với nhau” – ông Mười đề xuất.
Còn TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM thì cho rằng việc tổ chức kết nối giao thông thuận tiện giữa 2 sân bay kể trên là cần thiết, tuy nhiên cần tính toán kỹ càng các phương án.
Trên thực tế, TP.HCM cũng đã và đang có nhiều phương án kết nối với Long Thành như cao tốc TP.HCM – Long Thành, đường sắt quốc gia, trong quy hoạch cũng có tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành…Tuy nhiên thời gian qua cao tốc thường xuyên ùn ứ, kế hoạch mở rộng cao tốc chưa triển khai, các dự án kết nối khác cũng chưa rõ hình hài.
“Chính vì vậy, nếu sân bay Long Thành "cất cánh" vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau thì việc khẩn trương triển khai phương án kết nối với sân bay Long Thành là cấp thiết, không thể chậm trễ", ông Cương đánh giá.
Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, đơn cử như Singapore cũng đã làm đường sắt để kết nối hai sân bay với khoảng cách không quá xa. "Tuy nhiên, sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất cách nhau 35km, sẽ dẫn đến mất nhiều nguồn lực để triển khai hơn nên cần đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu một cách toàn diện, tổng thể", ông Cương phân tích.
"Với nguồn lực còn tương đối hạn hẹp, trong tương lai hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư với hàng loạt công trình, thay vì xây dựng một tuyến đường sắt kết nối Tân Sơn Nhất với Long Thành thì có thể đặt nó vào bức tranh tổng thể hơn, đưa nó nằm trong hệ thống giao thông chung. Tức là không chỉ đơn thuần phục vụ việc kết nối hai sân bay mà còn đóng với vào việc vận chuyển, vào hệ thống giao thông", ông Cương góp ý.
Cùng với đó, cũng có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có như việc đẩy mạnh đầu tư các dự án đường sắt đô thị để kết nối với Long Thành như Thủ Thiêm - Long Thành, đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng các cao tốc TP.HCM – Long Thành, Bến Lức – Long Thành để tăng tính kết nối hơn.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/ket-noi-san-bay-long-thanh-voi-tan-son-nhat-tau-dien-ngam-hay-duong-sat-toc-do-cao-post832666.html