Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024
3 giờ trướcBài gốc
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và 9 tháng năm 2024, đề ra giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa; Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung; Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh đồng chủ trì điều hành Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Hoạt động liên kết trong khu vực được chú trọng và đẩy mạnh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ IX, năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh hơn trên các lĩnh vực: Chia sẻ thông tin về công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại. Công tác kết nối giao thương hàng hóa được tăng cường, công tác phối hợp trong việc xử lý các vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Từ đó đóng góp tích cực vào những thành quả của ngành công thương các địa phương trong thời gian qua.
Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024 được tổ chức nhằm mục đích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2023 và 9 tháng năm 2024, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2024; Thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Cùng với đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực; Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tại Hội nghị Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực đóng góp ý kiến, phát biểu đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, làm rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa phát biểu chào mừng tại Hội nghị
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa cho biết: Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã phát huy những tiềm năng, lợi thế và có bước phát triển nhanh và ổn định, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) là 8,13%; năm 2023 là 6,79% với quy mô nền kinh tế hơn 128 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động Công Thương được duy trì và phát triển
Trong 9 tháng năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân, kinh tế tỉnh Kiên Giang tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá, an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định và nâng lên. Cụ thể: GRDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,76%, ước cả năm 2024 tăng trưởng khoảng 7,0%, với quy mô nền kinh tế khoảng 144 nghìn tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết thêm: Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024 nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước ngành Công Thương, tạo điều kiện để Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ hợp tác cùng phát triển.
Với mong muốn ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tinh thần phối hợp cùng phát triển.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực và cả nước giúp Kiên Giang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, phát triển thương mại và đẩy mạnh nhập khẩu; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và trong thời gian tới.
Theo đó báo cáo tại Hội nghị, 9 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp khu vực phía Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2023, có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%) là Trà Vinh, Bình Phước, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre.
Đồng thời, hoạt động thương mại 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 2.442 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường xuất khẩu có nhiều khởi sắc, hầu hết hoạt động xuất khẩu của các địa phương đều tăng trưởng so với cùng kỳ, có 19/20 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện ước đạt 108,427 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu thực hiện 96,41 tỷ USD, tăng 10,66% so với cùng kỳ.
Đến hết tháng 9/2024, toàn khu vực có 186 cụm công nghiệp, tổng diện tích 8.498 ha; trong đó, 111 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút khoảng 1.618 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 73.809 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 162.810 lao động.
Trong 9 tháng năm 2024, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với sự linh hoạt, chủ động của các doanh nghiệp trong cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường… nên hoạt động Công Thương được duy trì và phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương; đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực. Cạnh đó, các doanh nghiệp trao đổi về các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực…
Vẫn còn tồn tại những hạn chế
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, trao đổi của các đại biểu tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định đây là những ý kiến rất xác đáng, phản ánh đúng hiện trạng phát triển ngành.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định, năm 2023 và 9 tháng năm 2024, các địa phương trong khu vực đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao; chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn ở mức khiêm tốn.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, tỷ giá đồng USD cao, chi phí logistics tăng... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu; khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Sự phục hồi chậm của các nền kinh tế, cùng với suy giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, tình hình cung ứng và giá cả xăng, dầu từng lúc, từng nơi chưa thực sự ổn định,... ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng. Đồng thời, do tác động của nhiều yếu tố khác nên chi phí sản xuất gia tăng làm tăng giá nhiều mặt hàng trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng, ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Ngoài ra, nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất một số ngành hàng chủ yếu là nhập khẩu, do đó khi biến động về giá cả và chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; hạ tầng phục vụ cho dịch vụ xuất khẩu chưa được đầu tư đúng theo quy hoạch và thiếu đồng bộ như dịch vụ chuỗi cung ứng logictics, kho hàng, bến cảng,... làm tăng chi phí, giá thành và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn khó khăn. Một số dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa đạt.
Đổi mới công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số lĩnh vực, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian; hội nhập kinh tế - quốc tế, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; công tác xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường, công tác phòng vệ thương mại cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Nhiều mục tiêu góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch ngành
Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, đặc biệt là Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung sau.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, cụ thể hóa trong các chương trình hành động của Bộ Công Thương đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh (nếu cần), bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các ngày lễ lớn. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại; phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Các địa phương trong vùng cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai thực thi các quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, nhất là tiềm năng khai thác logistics ở địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cục trưởng Cục Công Thương Địa phương Ngô Quang Trung và, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh trao cờ luân lưu và tặng hoa chúc mừng tới Sở Công Thương tỉnh Long An với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Phó Chủ tích UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa.
Hội nghị, cũng diễn ra nghi thức bàn giao đăng cai cho Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XI – năm 2025.
Minh Trí
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/khai-mac-hoi-nghi-nganh-cong-thuong-cac-tinh--thanh-pho-khu-vuc-phia-nam-lan-thu-x--nam-2024-128044.htm