Khai thác giá trị kinh tế từ nuôi ngựa bạch

Khai thác giá trị kinh tế từ nuôi ngựa bạch
5 giờ trướcBài gốc
Với diện tích đất tự nhiên hơn 85.000ha, độ cao trung bình 550m so với mực nước biển, một số địa phương có nhiều đồng cỏ, rất thuận lợi cho việc chăn thả gia súc như: Ngựa, trâu, bò…
Bãi chăn thả ngựa của gia đình anh Hoàng Văn Định.
Tuy nhiên, những năm gần đây việc cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp dẫn đến sức kéo giảm. Bên cạnh đó, giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm trâu, bò không ổn định, nhiều hộ dân đã chuyển sang mô hình chăn nuôi ngựa bạch.
Đến nay, tổng đàn ngựa toàn huyện Na Rì có 1.296 con, trong đó ngựa bạch chiếm khoảng 500 con, được chăn nuôi tập trung chủ yếu tại các xã Lương Thượng, Sơn Thành, Văn Vũ, Kim Lư.
Gia đình anh Hoàng Văn Định, thôn Nà Làng, xã Lương Thượng (Na Rì) là một trong những hộ nuôi ngựa bạch điển hình của xã với tổng đàn hiện tại là 10 con. Anh Định đã tận dụng lợi thế đất đồi rộng lớn của gia đình để đầu tư nuôi ngựa bạch.
Năm 2022, với số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng, anh Định đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố với 2 dãy chuồng, mua 5 con ngựa giống và trồng hơn 5.000m2 cỏ voi để tạo nguồn thức ăn cho đàn ngựa.
Chuồng trại nuôi ngựa luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng đãng.
Tận dụng nguồn cỏ và chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đàn ngựa của anh phát triển tốt, sau hai năm đã cho sinh sản lứa đầu tiên. Bình quân, mỗi năm đàn ngựa sinh sản từ 4 đến 5 con, khi ngựa con cứng cáp, giá bán từ 20 - 25 triệu đồng/con. Đối với ngựa bạch trưởng thành có giá dao động từ 50 - 70 triệu đồng/con.
Chuồng trại luôn được dọn dẹp sạch sẽ.
Anh Định cho biết: “Nuôi ngựa bạch không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật, lại dễ chăm sóc, ít dịch bệnh và giá trị kinh tế cao. Hoàn toàn có thể tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ, lá sắn kết hợp với ngô hạt. Ngoài chăn thả tự nhiên, tôi trồng thêm cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn ngựa”.
Tận dụng đất đồi rộng của gia đình để trồng cỏ voi.
Là xã vùng cao của huyện Na Rì, Lương Thượng sở hữu diện tích đất đồi rộng, khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn dồi dào. Điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho việc chăn thả tự nhiên, đặc biệt là đối với giống ngựa bạch. Nhận thấy tiềm năng từ lợi thế sẵn có, nhiều hộ dân tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tập trung đầu tư vào mô hình chăn nuôi ngựa bạch. Toàn xã hiện có hơn 150 con ngựa bạch, tập trung ở các thôn Nà Làng, Vằng Khít…
Cỏ voi được thái nhỏ bằng máy trước khi cho ngựa ăn.
Ông Bế Văn Nghĩa, Trưởng thôn Nà Làng (Lương Thượng) cho biết: “Ba năm gần đây, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển đổi từ chăn nuôi trâu sang nuôi ngựa bạch. Nuôi ngựa đã trở thành phong trào, đến nay toàn thôn có hơn 20 hộ chăn nuôi ngựa bạch với tổng đàn 58 con. Để phát triển đàn ngựa, các hộ dân chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn”.
Ngoài thức ăn xơ, còn bổ sung thêm thức ăn tinh cho ngựa.
Từ mô hình chăn nuôi ngựa bạch, nhiều hộ nông dân ở xã Lương Thượng đã thoát nghèo đang vươn lên làm giàu chính đáng, giảm thiểu tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy. Giúp người dân có thu nhập ổn định để sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng cần thiết và hỗ trợ việc học tập cho con…
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch ở xã Sơn Thành không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần bảo tồn giống ngựa bản địa. Toàn xã hiện có hơn 200 con ngựa bạch, tập trung ở các thôn Phiêng Cuôn, Nà Kèn, Nà Khon…
Ngựa được chăn thả trên đồi cỏ rộng của HTX.
Ông Lý Văn Bạo (Giám đốc Hợp tác xã Cộng Lực Sơn Thành): Chúng tôi đồng hành cùng bà con từ khâu cung cấp con giống, thức ăn đến việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho ngựa bạch.
Ông Bạo cho biết thêm, giá bán ngựa bạch hiện tại giảm so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn cho thu nhập cao hơn so với những loại vật nuôi khác.
Ông Nông Quang Kế, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì: Mô hình chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa của người dân trên địa bàn đến thời điểm hiện tại đã cho thành công bước đầu.
Để tiếp tục phát triển bền vững, nhân rộng mô hình, địa phương đã xây dựng các chính sách, dự án phát triển chăn nuôi lồng ghép với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng phát triển mô hình nuôi ngựa bạch. Dù nuôi ngựa bạch mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chủ yếu là người dân chăn nuôi tự phát, do đó hằng năm, huyện đã tiến hành rà soát để lên kế hoạch chăn nuôi tập trung, tránh tình trạng nuôi thả tự do dễ phát sinh dịch bệnh, gây ô nhiễm.
Ngựa sinh sản được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng bằng thức ăn tinh và xơ.
HTX Cộng Lực Sơn Thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết sản xuất, cung ứng giống và tìm kiếm thị trường, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Ngoài ra, huyện cũng lên kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình, hợp tác xã như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tiêm vaccine phòng dịch bệnh; tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng chăn nuôi, nhân giống, mở rộng đàn; các mô hình chế biến; đào tạo kỹ năng quản lý điều hành cho người dân để điều hành hợp tác xã… Góp phần phát triển vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương./.
Hồng Anh - Kim Chi
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/khai-thac-gia-tri-kinh-te-tu-nuoi-ngua-bach-post66979.html