Thằn lằn rắn Hart (Dopasia harti) là một loài bò sát kỳ lạ thuộc họ Thằn lằn rắn (Anguidae), có khu vực phân bố ở Việt Nam.
Là loài lớn nhất trong chi (Ophisaurus), loài thằn lằn này có chiều dài đến 27 cm. Mặt bụng của chúng có màu vàng, mặt lưng nâu đó có các sọc trắng đen.
Do không có chân, thằn lằn rắn Hart có lối di chuyển giống như rắn và thường bị nhầm tưởng là rắn. Đặc điểm để xác định chúng là thằn lằn nằm ở hình dạng đầu, mí mắt có thể cử động được và lỗ tai ngoài.
Giống như nhiều loài thằn lằn, chúng có khả năng đánh lừa kẻ săn mồi bằng cách thả ra một phần đuôi. Phần đuôi này có thể vỡ thành nhiều mảnh, giống như thủy tinh khiến chúng có tên gọi khác là thằn lằn thủy tinh.
Một cách tự vệ khác là khi bị tóm hoặc bị tác động mạnh lên cơ thể, thằn lằn sẽ giả chết để đánh lừa kẻ săn mồi và tìm cách thoát thân khi thấy có cơ hội.
Về mặt sinh thái thằn lằn rắn Hart sống ở vùng núi cao từ 1.000m trở lên, nơi có khí hậu lạnh và sương mù.
Thằn lằn rắn Hart ẩn nấp trong lớp thảm mục thực vật dưới nền rừng, kẽ đá, hang đá ở các tầng cây thấp nơi các thảm mục thực vật dày, ẩm và hiếm khi được nhìn thấy.
Loài thằn lằn không chân này thường điều tiết thân nhiệt bằng cách sưởi nắng trên các tảng đá, thân cây mục. Thức ăn của nó chủ yếu là côn trùng sống trong khu vực phân bố.
Vào cuối mùa mưa, thằn lằn cái đẻ từ 4 - 7 trứng trong thảm mục thực vật của nền rừng. Con mẹ có tập tính canh gác và bảo vệ trứng. Thằn lằn con mới nở dài khoảng 1,8 cm.
Ở Việt Nam, thằn lằn rắn Hart được ghi nhận ở các tỉnh núi cao phía bắc Việt Nam như Cao Bằng (Ngân Sơn), Lào Cai (Sa Pa), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Nội (Ba Vì), Sơn La (Mộc Châu, Chiềng Di), Nghệ An (Kỳ Sơn).
Ngoài Việt Nam, loài này chỉ phân bố trên một phạm vi hẹp ở Nam Trung Quốc và đảo Đài Loan.
Trong Sách Đỏ IUCN, thằn lằn rắn Hart được xếp vào nhóm loài Ít quan tâm.
P.V (Tổng hợp)