Sau khi hợp nhất với Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa mới rộng hơn 8.500km2 với hơn 2 triệu dân. Đồng thời, tỉnh này sở hữu đường bờ biển dài nhất Việt Nam (491km), kéo dài từ mũi Đại Lãnh đến Cà Ná, có các vịnh nổi tiếng như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và Vĩnh Hy.
Với không gian phát triển được mở rộng, hệ sinh thái đa dạng và giàu tài nguyên, tạo thuận lợi cho Khánh Hòa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế biển, chế biến sâu, năng lượng tái tạo...
Cảng Vân Phong (vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) với độ sâu tự nhiên hơn 20m, đủ cơ sở để phát triển cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam.
Cùng với Vân Phong, hệ thống cảng biển quốc tế (Cam Ranh, Cà Ná) và năng lượng sạch tạo động lực thu hút FDI vào logistics, công nghiệp chế biến, và công nghiệp xanh. Trong ảnh: Cảng biển quốc tế Cam Ranh.
Đặc biệt, Khánh Hòa sở hữu hành lang du lịch biển liền mạch với sự kết hợp giữa những bãi biển nổi tiếng như: Nha Trang, Bãi Dài đến Ninh Chữ, Vĩnh Hy... tạo ra không gian phát triển mới cho ngành du lịch. Trong ảnh: Vịnh Vĩnh Hy (ảnh trên), thiên đường của resort tại khu vực Bãi Dài (ảnh trái dưới), bãi biển Nha Trang (ảnh phải dưới).
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, ngành du lịch sẽ đi theo mô hình “du lịch xanh, tăng trưởng xanh”, chú trọng khai thác giá trị bản địa và bảo tồn hệ sinh thái biển, đảo.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm trên đảo Hoa Lan, phường Hòa Thắng, tỉnh Khánh Hòa.
Các doanh nghiệp du lịch khai thác tối đa lợi thế biển đảo để tạo ra các sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách khi đến với Khánh Hòa.
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập không chỉ là một đơn vị hành chính lớn hơn, mà còn là một trung tâm phát triển động lực mới của miền Trung, sẵn sàng vươn tầm khu vực và quốc tế trong thu hút đầu tư chiến lược. Trong ảnh: Cánh đồng điện gió ở khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa.
Thanh Thanh - Phùng Quang