Lợi thế doanh nghiệp TPHCM sau sáp nhập

Lợi thế doanh nghiệp TPHCM sau sáp nhập
5 giờ trướcBài gốc
Sau sáp nhập, TPHCM không chỉ mở rộng địa giới, mà còn mở rộng giới hạn của tư duy phát triển. Từ trung tâm tài chính - công nghệ đến trục công nghiệp và hành lang logistics liên cảng, một không gian kinh tế vùng đang được tái thiết theo hướng tích hợp - đa trung tâm - hiện đại. Với cộng đồng doanh nghiệp, đây là thời điểm để tổ chức lại dòng vốn, chuỗi sản xuất và chiến lược đầu tư - không còn theo địa giới hành chính, mà theo lợi thế vùng.
Ngành chế biến gỗ đang có thêm lợi thế khi sản xuất, xúc tiến và xuất khẩu được nối liền trong một không gian thống nhất. Chuỗi cung ứng khép kín giúp tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ đưa hàng ra thị trường.
"Những thế mạnh đó tập trung lại trong một không gian chung. Với lợi thế của các chính sách thuế cũng như hỗ trợ của Nhà nước, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cho ngành gỗ và sản phẩm gỗ năm nay đạt 18 tỷ USD", ông Phùng Quốc Mẫn - Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM nhận định.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang lên kễ hoạch mở rộng nhà máy theo định hướng quy hoạch vùng của TPHCM. Không chỉ thuận lợi về logistics, mà còn tận dụng ưu đãi đầu tư.
Theo các chuyên gia, TPHCM đang định hình ba cực động lực mới: Tài chính, công nghiệp và đô thị biển. Sự thống nhất địa giới không chỉ gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính, mà còn tạo nền tảng để quy hoạch, vận hành không gian kinh tế vùng hiệu quả hơn.
Ông Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners cho biết: "Kinh tế biển ở đây có 2 hiệu quả rõ rệt đó là về mặt sản xuất gắn kết với vận chuyển, kết nối đường biển với quốc tế. Logistics về du lịch, đầu mối là sân bay Long Thành, sân bay Tân Sân Nhất và đường bộ cao tốc của cả vùng đô thị đang hoàn thiện".
Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho hay: "Nhưng giờ những rào cản cũ sẽ được xóa bỏ. Vấn đề là tạo ra bộ máy quản lý hành chính về quản lý Nhà nước, tạo ra các thể chế vận hành thì sẽ cất cánh…".
Không gian phát triển mở rộng đang khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân nhìn lại cách tổ chức sản xuất và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để dòng vốn thực sự dịch chuyển, TPHCM cần cho thấy một chiến lược quy hoạch rõ ràng và khả năng vận hành hiệu quả trong cấu trúc vùng mới sau sáp nhập.
Theo VTV
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/loi-the-doanh-nghiep-tphcm-sau-sap-nhap-post124397.html