Quy hoạch không gian thương mại mới cho siêu đô thị TP.HCM

Quy hoạch không gian thương mại mới cho siêu đô thị TP.HCM
4 phút trướcBài gốc
Để phát huy lợi thế của không gian thương mại mới này, TP.HCM rất cần cơ chế kết nối hiệu quả hơn.
Tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, không gian mới sau sáp nhập giúp TP.HCM trở thành một siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chính - tài chính - tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp - logistics - cảng biển năng động. Với quy mô GRDP hơn 3 triệu tỉ đồng, TP.HCM hiện nay có thể sánh về tiềm lực với các đô thị lớn như Thượng Hải, Singapore hay Bangkok.
Vì vậy, việc quy hoạch và phát triển không gian thương mại nên theo hướng đa trung tâm. Đó là 1 thành phố 3 trung tâm nhằm thı́ch ứng với quy mô mở rộng của Thành phố.
Không gian này nên phân bổ hợp lý và chuyên biệt hóa chức năng. Trong đó khu vực TP.HCM (cũ) vẫn giữ vai trò trung tâm tiêu dùng cao cấp và bán lẻ hiện đại. Nơi đây có lợi thế tầng lớp trung lưu chiếm từ 38-40%, là phân khúc khách hàng có thể làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng.
Bı̀nh Dương (cũ) trở thành trung tâm hậu cần – logistics nội địa và phân phối thương mại điện tử. Còn Bà Rịa- Vũng Tàu (cũ) là đầu mối thương mại xuất, nhập khẩu qua cảng biển với hạt nhân là Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.
Điều mà ông Đỗ Thiên Anh Tuấn trăn trở là làm thế nào để Thành phố có cơ chế, chính sách kết nối hiệu quả, phát huy được tiềm năng, lợi thế của không gian thương mại mới này.
“ Bây giờ TP.HCM đã là siêu đô thị mới, làm sao tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Nếu tình trạng “cát cứ” vẫn xảy ra về hạ tầng, cơ chế chính sách thì có thể ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng mà thành phố đang khát vọng đạt được trong giai đoạn sắp tới.”
Giảm chi phí logistics
Trong thương mại, logistics được xem khâu rất quan trọng. Hiện nay, chi phí này của Việt Nam đang cao hơn mức trung bình so với các nước trong khu vực từ 10%-15%, vậy kết nối làm sao để giảm chi phí này là câu hỏi lớn?
Ông Lê Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, chi phí logistics của TP.HCM cao do quá lệ thuộc vào vận tải đường bộ. Container từ cảng Cái Mép về các cảng cạn, cảng khô, cảng nội địa (ICD) mất 5 đến 7 ngày là không chấp nhận được. Vì vậy, theo ông Lê Kim Cương, thành phố cần rà soát quy hoạch cảng cạn, ưu tiên phát triển vận tải sà lan - một phương thức chi phí rẻ và hiệu quả.
Ngoài ra, cần chính sách hỗ trợ về giá đất, thuế cho các cảng nội địa, kho bãi ven sông. Đồng thời, Thành phố nên có ưu đãi phí hạ tầng cho container vận chuyển bằng đường thủy, thay vì thu phí bằng đường bộ. Một sà lan chở 200 TEU, chi phí thấp hơn đường bộ rất nhiều và giảm tắc đường.
“Để khuyến khích phát triển vận chuyển đường thủy thì container đến cảng bằng đường thủy thu phí thấp hơn đến cảng bằng đường bộ. Việc vận chuyển container qua lại giữa các cảng ở TP.HCM nên có cơ chế về thủ tục hải quan thuận lợi, giảm bớt giấy tờ và chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt là container hàng chuyển cảng giữa các khu vực”, ông Lê Kim Cương nêu ý kiến.
Hiện nay, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa cung cấp khoảng 75% lượng hàng tiêu dùng cho thị trường (Ảnh: Lệ Hằng)
Trong quá trình quy hoạch lại không gian thương mại, chuyển đổi số, TP.HCM sẽ lấy chợ truyền thống, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm vận hành, quản trị, thanh toán và kết nối chuỗi cung ứng.
Hiện TP.HCM có khoảng 400 chợ truyền thống, cung cấp hơn 65% lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường này. Riêng các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bı̀nh Điền và Hóc Môn cung cấp trên 70% hàng hóa cơ bản và rau củ, thịt cá, trái cây… cho khu vực phıá Nam.
Ông Lê Trường Sơn – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, hiện nay thương mại hiện đại chiếm 25%, con số 75% còn lại là ở kênh chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa. Điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất ở chợ truyền thống là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Saigon Co.op cũng tham gia cung cấp hàng hóa cho các chợ truyền thống. Với nguồn hàng này, Saigon Co.op có hệ thống kiểm nghiệm để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các chợ cần tập trung tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa .
Bên cạnh đó, Thành phố cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan chợ. Các doanh nghiệp đẩy mạnh cung cấp giải pháp về công nghệ, không chỉ không dùng tiền mặt mà cả vận hành để giảm chi phí cho tiểu thương.
Ông Lê Trường Sơn đề xuất: TP.HCM có thể tham khảo áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ ở chợ truyền thống của Indonesia - không cần tổ chức công ty với quy mô lớn nhưng vẫn hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
“Với các tiểu thương ở chợ thì vấn đề tính toán chi phí rất quan trọng. Cho nên có 1 mô hình là các giải pháp về số, ai có nhu cầu thì đăng ký và trở thành 1 user. Nó không chỉ giới hạn trong thương mại điện tử, hay thanh toán không dùng tiền mặt mà kể cả tối ưu danh mục hàng hóa. Đây là mô hình mà Thành phố có thể làm được ngay,” ông Sơn nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: BTC)
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trên cơ sở quy hoach đã được Chính phủ phê quyệt, Thành phố đang giao cho cơ quan chức năng làm quy hoạch gộp 3 địa phương sáp nhập để có quy hoạch tổng thể, nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế không gian thương mại này.
“Việc quy hoạch 3 đơn vị trở thành 1 sẽ giải quyết tầm nhìn về giao thông kết nối. Trong vấn đề này, khi bàn đến logistics, cảng biển, trung chuyển hàng hóa cho cung ứng và bán lẻ, không chỉ gói gọn ở TP.HCM (cũ) mà đường sắt đô thị ngày nay còn có tầm nhìn đến Bình Dương (cũ) và Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ)”, ông Dũng nói.
Với tiềm năng, lợi thế của 3 địa phương trước khi sáp nhập, nếu TP.HCM có quy hoạch không gian thương mại tốt, cơ chế, chính sách kết nối hiệu quả sẽ thúc đẩy Thành phố phát triển trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và logicstics hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.
Lệ Hằng/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/quy-hoach-khong-gian-thuong-mai-moi-cho-sieu-do-thi-tphcm-post1215652.vov