Khát vọng 'Ấn Độ tự cường'

Khát vọng 'Ấn Độ tự cường'
13 giờ trướcBài gốc
Với khả năng tạo ra tia laser 30 kilowatt, tổ hợp vũ khí laser (DEW) của Ấn Độ được mô tả là “tốc độ giao tranh cực nhanh, độ chính xác cao và khả năng sát thương mục tiêu trong vòng vài giây khiến nó trở thành hệ thống chống UAV mạnh nhất”.
Ấn Độ thử nghiệm vũ khí định hướng bằng laser (DEW). (Nguồn: Indiatoday)
Tuy nhiên, tính năng ưu việt không phải là điều đáng chú ý duy nhất của chương trình chế tạo DEW. Lâu nay, là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn thứ tư thế giới nhưng Ấn Độ phải phụ thuộc chủ yếu vào vũ khí nhập khẩu. Trong giai đoạn từ năm 2014-2019, tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ vào khoảng 16,75 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Saudi Arabia.
Không chỉ tạo gánh nặng với ngân sách quốc phòng, sự phụ thuộc vào nước ngoài khiến Ấn Độ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trang thiết bị quân sự một khi nguồn cung bất ngờ bị gián đoạn. Thêm vào đó, tình trạng này còn kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Chính vì thế, năm 2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ra một loạt sáng kiến thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ tự cường” với mục tiêu đẩy mạnh nền công nghiệp quốc phòng nội địa, giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí và khí tài quân sự từ nước ngoài.
Theo định hướng này, Ấn Độ đã ban bố các quy định cấm nhập khẩu khoảng 100 mặt hàng quân sự. Trong ngân sách quốc phòng kỷ lục (78,7 tỷ USD) trong tài khóa 2025-2026, 13,5 tỷ USD được chi riêng cho mua sắm các vũ khí sản xuất trong nước.
Với cuộc thử nghiệm thành công DEW, Ấn Độ không chỉ chứng tỏ năng lực quốc phòng dựa vào nội lực mà còn đặt chân vào “câu lạc bộ độc quyền” các cường quốc sở hữu hệ thống DEW công suất cao, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Israel.
TIẾN THÀNH
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/khat-vong-an-do-tu-cuo-ng-311445.html