Trong khuôn khổ Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 27/5, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, báo chí cần được nhìn nhận như một chủ thể độc lập trong hệ sinh thái thể chế: không chỉ truyền thông chính sách, mà còn tham gia định hình chính sách, giám sát thi hành và bảo vệ DN khỏi những lực cản thể chế vô hình.
Nghị quyết 68 xác định khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế quốc dân. Đây là lần đầu tiên, vai trò của DN tư nhân được khẳng định rõ ràng, không còn là “bổ sung” hay “hỗ trợ”, mà là trung tâm phát triển. Ngay sau đó, Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành để thể chế hóa các chủ trương lớn, tạo hành lang pháp lý ổn định và cởi mở cho khu vực kinh tế này phát triển. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, giữa chính sách và thực tiễn luôn tồn tại một khoảng cách - và để lấp đầy khoảng cách đó, không có công cụ nào hiệu quả hơn báo chí chính thống.
Đoàn đại biểu chủ trì, điều hành Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tại TP Hồ Chí Minh, ngày 27/5.
Trên thực tế, báo chí không chỉ làm nhiệm vụ đưa tin. Trong một nền quản trị hiện đại, báo chí còn có ba chức năng quan trọng: phản ánh thực tiễn chính sách, phản biện những điểm nghẽn thể chế và phản ứng nhanh với những bất cập phát sinh từ quá trình áp dụng luật pháp vào đời sống. Với vai trò đặc thù - vừa có khả năng tiếp cận thực tiễn, vừa có năng lực truyền thông đại chúng, vừa có nền tảng chuyên môn - báo chí chính thống chính là thiết chế mềm góp phần hoàn thiện môi trường thể chế.
Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh, điểm quan trọng nhất của Nghị quyết 68 không chỉ nằm ở các con số hay chỉ tiêu, mà là ở sự thay đổi tư duy về Nhà nước và báo chí. Trong một hệ sinh thái kinh tế thị trường hiện đại, báo chí không thể là người đứng ngoài, càng không thể chỉ là công cụ một chiều. Báo chí phải trở thành một lực đẩy chính sách - nơi tiếng nói của DN, giới luật sư, chuyên gia và người dân được tập hợp, được sàng lọc, được truyền tải một cách đúng đắn và có trách nhiệm. Một chính sách đúng, nhưng không được truyền thông rõ ràng, dễ bị hiểu sai, thậm chí bị cản trở trong quá trình thực thi. Một khó khăn thực tiễn, nếu không được phản ánh kịp thời, sẽ làm cho luật pháp trở nên xa rời cuộc sống.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm trình bày tham luận tại diễn đàn.
Thực tiễn cho thấy, nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp - không đủ nguồn lực để tự bảo vệ tiếng nói của mình trước các bất cập. Khi các kênh chính thức như kiến nghị, khiếu nại không hiệu quả hoặc phản hồi chậm, họ cần một “tiếng nói thứ ba”: trung lập, có ảnh hưởng xã hội, hiểu biết pháp luật và có khả năng kết nối với nhà làm luật. Báo chí chính thống, với đội ngũ phóng viên chuyên trách, biên tập viên kỳ cựu và mạng lưới cộng tác viên giàu kinh nghiệm, có thể đóng vai trò ấy. Nhưng để thực hiện được vai trò đó, báo chí cũng cần được trao công cụ, được bảo vệ độc lập và có cơ chế tương tác hiệu quả với các cơ quan lập pháp và hành pháp.
Nghị quyết 68 xác định rõ tám nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó có nhiều nội dung đòi hỏi sự đồng hành của báo chí như: hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ DN khởi nghiệp, cảnh báo rủi ro và khuyến khích DN phát triển bền vững. Những mục tiêu đó không thể chỉ đạt được bằng các hội nghị, báo cáo hay văn bản pháp luật. Chúng cần được lan tỏa, phản ánh và kiểm nghiệm qua thực tiễn - mà báo chí chính là nơi kết tinh và lan tỏa các giá trị đó ra xã hội.
Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ với truyền thông, báo chí bên lề diễn đàn.
Để làm được điều đó, theo luật sư Trương Anh Tú, cần có một bước chuyển trong thiết kế chính sách truyền thông. Cụ thể, báo chí cần được tham gia chính thức vào các hội đồng tư vấn chính sách ở cấp bộ, ngành và địa phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và DN. Các chuyên mục đối thoại chính sách cần được duy trì liên tục, với sự tham gia của nhiều bên, chứ không chỉ là nơi đưa tin một chiều từ cơ quan Nhà nước. Đồng thời, cần đào tạo chuyên sâu đội ngũ phóng viên chuyên trách về thể chế, luật pháp và kinh tế tư nhân. Họ không chỉ đưa tin sự kiện, mà phải có năng lực phân tích, đặt vấn đề, đối thoại và kết nối đa chiều. Xa hơn, cần xem xét thành lập quỹ hỗ trợ báo chí phản biện chính sách, nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan trong quá trình phản ánh, không bị chi phối bởi quảng cáo hay áp lực tài chính.
Không có khu vực kinh tế tư nhân phát triển nếu thiếu một nền báo chí có trách nhiệm. Không thể có chính sách thực thi hiệu quả nếu thiếu phản hồi từ thực tiễn và không có kênh nào phản hồi nhanh, sâu và công bằng bằng báo chí chính thống. Báo chí chính là nơi lưu giữ, soi rọi và lan tỏa các giá trị cải cách – là nơi biến chính sách từ tầm nhìn thành hành động cụ thể và là cầu nối giữa nhà nước, DN và người dân. Khi báo chí đồng hành cùng DN, thể chế sẽ gần dân hơn, chính sách sẽ khả thi hơn và niềm tin vào con đường phát triển bền vững sẽ được củng cố vững chắc.
"Nghị quyết 68-NQ/TW ban hành ngày 4/5/2025 đã tạo luồng gió thổi bùng khát vọng của cộng đồng DN, doanh nghiệp tư nhân đã chờ đợi từ lâu nay. Sau gần 4 thập niên đổi mới nền kinh tế (từ Đại hội Đảng lần 6 - 1986), đây là cuộc cách mạng thực sự cởi trói, giúp DN tư nhân phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên, động lực thành công trước hết là tạo được niềm tin, chính vì vậy vai trò hỗ trợ của cơ quan báo chí đối với DN tư nhân trong tiếp cận quy định thực hiện Nghị quyết 68/NQ-TW là không thể thay thế.
Thứ nhất, báo chí nên đóng vai trò như một cơ quan giám sát hoạt động thực thi. Báo chí giám sát đồng bộ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-TW, bao gồm tình hình thực thi của DN, tịnh hình chỉ đạo và thực thi của các cơ quan chức năng liên quan. Thông qua giám sát và lắng nghe ý kiến từ nhiều bên, báo chí nên đúc kết đưa ra các đề xuất cần thiết đến các cơ quan chức năng.
Thứ hai, báo chí nên đóng vai trò người phản biện chính sách. Thông qua phản biện phát hiện các bất cập nảy sinh đề xuất xử lý. Để thực hiện phản biện, cơ quan báo chí cần huy động những nhà báo hoặc chuyên gia đủ tầm cần thiết về tư duy kinh tế, pháp luật.
Thứ ba, báo chí thông qua giám sát đóng vai trò tiên phong trong phát hiện sai phạm, tiêu cực ban đầu. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-TW, như đặt vấn đề ở trên, câu chuyện tạo đặc lợi từ chính sách rất dễ dàng phát sinh. Cho nên phát hiện ngăn chặn từ đầu là cực kỳ quan trọng" - chuyên gia tài chính TS Phan Văn Thường
Tiểu Thúy