Sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Trong khi tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu ở lứa tuổi này không ngừng gia tăng, nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự nhận thức đúng về những rối loạn này. Họ thường xem đó là biểu hiện của sự yếu đuối, lười biếng, hoặc là một vấn đề có thể giải quyết bằng cách nghiêm khắc hơn trong giáo dục. Nhưng sự phủ nhận đó không làm con tốt hơn. Trái lại, nó khiến con bị bỏ rơi giữa sự cô đơn và nỗi đau không ai hiểu.
“Lười biếng”, “hèn nhát” và… cô đơn
Minh (15 tuổi, nam) đã từng là một cậu bé vui vẻ, nhưng từ khi lên cấp 3, em bắt đầu trở nên xa cách. Em mất hứng thú với mọi thứ, chỉ muốn đóng cửa phòng và nằm lì. Điểm số sa sút, em dần lặng lẽ, ánh mắt vô hồn. “Lười học thì nói đại đi!”, mẹ em mắng. Ba em cũng đồng tình, cho rằng một chút kỷ luật sẽ kéo được em trở lại bình thường. Minh không biết giải thích nỗi trống rỗng và bế tắc trong lòng như thế nào. Cho đến một đêm, em dùng dao rọc giấy cứa lên tay, chỉ để thử xem bản thân mình còn có cảm giác hay không. Lúc đó, ba mẹ em mới hoảng sợ, vội vã đưa Minh đi khám, và nhận được chẩn đoán trầm cảm.
Phương (16 tuổi, nữ) từ nhỏ vẫn nhút nhát, nhưng khi vào cấp 3, em bắt đầu sợ hãi đến cực độ. Em run rẩy khi bị gọi trả bài, trốn trong nhà vệ sinh để khỏi phải thuyết trình. Mẹ em nhận thấy con gái ngày càng thu mình và muốn đưa em đi khám. Nhưng ba em phản đối: “Nó nhát thôi, làm gì có bệnh mà khám?”. Không ai hiểu được cảm giác ngột ngạt khi chỉ cần một ánh nhìn hay một lời nhận xét cũng khiến em muốn biến mất. Mẹ lén đưa em đi khám, bác sĩ chẩn đoán em bị rối loạn lo âu xã hội và trầm cảm. Mẹ khóc, còn em lần đầu tiên thấy nhẹ nhõm. Nhưng khi ba biết chuyện, ông chỉ nói: “Chiều quá sinh hư thôi!”.
Khang (17 tuổi, nam) sống với mẹ sau khi ba mẹ ly thân, nhưng mối quan hệ giữa em và mẹ luôn đầy căng thẳng. Em thu mình, chẳng muốn bước ra ngoài. Mẹ em không lo lắng, chỉ mắng: “Con trai gì mà suốt ngày buồn rầu!”. Còn ba em, khi nhận ra vấn đề, đã lén lút đưa em đi khám. Bác sĩ chẩn đoán em bị trầm cảm. Mỗi lần mẹ biết chuyện, bà lại mắng gay gắt: “Anh đừng có tiêm vào đầu nó mấy thứ vớ vẩn nữa!”.
Cái gì mới là thật? Tâm trạng em hay lời mẹ em nói? Khang không biết. Em chỉ biết rằng mệt mỏi và muốn mọi thứ kết thúc.
Nguy cơ và hậu quả
Những tình huống trên đều có chung một nguy cơ gọi là rối loạn tâm thần mà nếu không được thừa nhận và điều trị kịp thời sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trẻ vị thành niên mắc trầm cảm hay rối loạn lo âu nếu không được giúp đỡ có thể đối diện trước hết với chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Trẻ có thể mất dần động lực học tập, kết quả sa sút, thậm chí bỏ học vì không đủ sức để tiếp tục. Không chỉ việc học, các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày cũng trở nên nặng nề với trẻ.
Kế đến, nguy cơ tự hại và tự tử gia tăng. Khi không được thấu hiểu và giúp đỡ, trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Những hành động như tự rạch tay, làm tổn thương cơ thể có thể xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí dẫn đến những quyết định đáng tiếc.
Cuối cùng, trẻ có thể mất kết nối với xã hội. Sự tự cô lập do lo âu hoặc trầm cảm khiến trẻ dần mất đi những người bạn, mất đi sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội, làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Lời khuyên dành cho phụ huynh
Nếu con bạn có dấu hiệu bất thường như buồn bã kéo dài, mất hứng thú với cuộc sống, rối loạn giấc ngủ, ăn uống hay có suy nghĩ tiêu cực, hãy nghiêm túc xem xét khả năng con đang gặp vấn đề tâm lý.
Đừng vội cho rằng con chỉ “lười biếng” hay “yếu đuối”, thay vào đó hãy quan sát và lắng nghe con. Đừng chỉ nhìn vào hành vi bề ngoài mà hãy chú ý đến những thay đổi trong cảm xúc, thái độ của con. Nếu con trở nên ít nói hơn, tránh né các hoạt động yêu thích trước đây, hãy tìm cách trò chuyện để hiểu rõ vấn đề.
Giữ thái độ cởi mở và không phán xét. Khi con chia sẻ cảm xúc, hãy lắng nghe thay vì phản bác hoặc áp đặt suy nghĩ của mình lên con.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia nếu cần thiết. Việc gặp bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần không có gì đáng xấu hổ. Một chẩn đoán kịp thời có thể giúp trẻ tránh khỏi những tổn thương sâu sắc hơn.
Thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm lý
Ngoài gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần thay đổi nhận thức về sức khỏe tâm thần. Trường học cần có các chương trình giáo dục tâm lý để giúp học sinh nhận biết và quản lý cảm xúc. Phụ huynh cần tiếp cận thông tin khoa học thay vì để định kiến dẫn dắt quyết định của mình. Cộng đồng cũng cần tạo ra một môi trường an toàn, nơi trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ mà không sợ bị kỳ thị.
Sức khỏe tâm thần không phải là vấn đề của riêng ai, mà là một phần tất yếu của cuộc sống. Một đứa trẻ được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời không chỉ có thể hồi phục mà còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn sau những tổn thương. Đừng để sự phủ nhận của người lớn trở thành rào cản lớn nhất khiến trẻ mất đi cơ hội được sống một cuộc đời hạnh phúc.
TS.BS. Phạm Minh Triết