Làm thế nào để sự thanh thản không phụ thuộc vào đồng tiền?

Làm thế nào để sự thanh thản không phụ thuộc vào đồng tiền?
10 giờ trướcBài gốc
“Người khôn ngoan không muốn gì cả nhưng lại cần rất nhiều thứ. Ngược lại, kẻ khờ dại không cần gì cả vì không biết sử dụng bất cứ thứ gì, thế nhưng cái gì cũng muốn”.
- Chrysippus xứ Soli
Bức thư số 43: Làm giàu
Khi tôi nói với mọi người rằng mình đang theo đuổi các nguyên tắc sống của chủ nghĩa Khắc kỷ, họ cứ cho rằng tôi sống rất kham khổ, không có tinh thần cầu tiến. Tôi chẳng biết tại sao người ta lại có quan niệm như vậy. Tôi cho rằng chủ nghĩa Khắc kỷ và nỗ lực cải thiện cuộc sống lẫn sự nghiệp có thể song hành.
Epictetus, người luôn ủng hộ lối sống thanh bần giản dị qua các bài giảng, bàn về vấn đề tiền bạc như sau: “Nếu ngươi có thể kiếm tiền mà vẫn giữ được tính trung thực, sự uy tín, cùng lòng tự trọng, vậy thì cứ việc kiếm tiền đi. Nhưng ngươi không cần kiếm tiền nếu phải hy sinh lòng chính trực”.
Thấy chưa? Chúng ta có thể làm cả hai. Vấn đề của xã hội này là chúng ta thường cảm thấy mình cần phải được ăn cả, ngã về không. Hoặc sống kham khổ tằn tiện, hoặc chạy theo đồng tiền và tiêu xài thỏa thích. Tôi hiểu chứ. Chúng ta lúc nào chẳng đọc thấy hay nghe thấy các trường hợp cực đoan. Trên Netflix có đầy các bộ phim tài liệu nói về việc lòng tham dẫn đến sự sa đọa. Còn không là các chương trình bảo ta từ bỏ tất cả tài sản để sống cuộc đời tối giản.
Vừa kiếm tiền vừa vui vẻ là cuộc sống lý tưởng. Ảnh: TheStreet.
Tất cả những trường hợp cực đoan này cho chúng ta cảm giác chẳng hề có điểm ở giữa nào, chỉ có hoặc là cái này hoặc là cái kia. Với tôi, đây là chỗ dành cho chủ nghĩa Khắc kỷ. Cái chính là sống tự do và thanh thản. Như Epictetus đã nói, nếu bạn muốn kiếm tiền, cứ việc! Nhưng sự thanh thản của bạn không bao giờ được phụ thuộc vào đồng tiền. Đó cũng chính xác là những gì Seneca làm.
Ông là một người cực kỳ giàu có thời La Mã cổ đại. Bên cạnh đó còn tham gia vào chính trị. Đồng thời là một triết gia vĩ đại. Sao có thể chứ? Seneca là một triết gia Khắc kỷ vừa muốn làm giàu vừa muốn thành danh? Phải, nhưng ông không bao giờ đo giá trị bản thân bằng tiền bạc. Đây là những gì Seneca nói về tiền: “Nếu muốn biết bản thân đáng giá bao nhiêu, ngươi hãy đặt tiền tài, nhà cửa, tước vị sang một bên, và xem xét con người bên trong: bởi trên thực tế, ta đang giao phó thước đo phẩm chất của mình vào tay người khác”.
Nếu bạn chỉ có thể làm giàu bằng cách từ bỏ phẩm giá, đừng làm thế. Điều quan trọng là bạn có khả năng nhìn thẳng vào cuộc đời mình khi không có tiền bạc và của cải rồi tự hỏi: Mình có tự hào về bản thân không?
Nếu gạt đi tất cả ngoại vật và phát hiện ra rằng mình chẳng hề sở hữu hay làm được điều gì đáng để tự hào, vậy thì chúng ta có vấn đề rồi đấy. Do đó dù có thế nào đi nữa, bạn cũng phải luôn đề cao nhân cách và phẩm giá hơn hết thảy. Đó là cách các nhà Khắc kỷ nhìn nhận của cải. Cái quan trọng ở đây là tiền bạc không kiểm soát được bạn. Hầu hết mọi người cứ sợ mất tiền, hoặc sợ không có đủ tiền. Cho dù bạn đang tiết kiệm hay muốn kiếm nhiều hơn, nếu bạn cứ nghĩ đến tiền, tiền, tiền thì cuộc đời bạn sẽ bị tiền thống trị. Một cái giá quá lớn. Suy cho cùng, tiền chỉ là công cụ. Ừ thì thừa vẫn hơn thiếu.
Từng sống trong một gia đình phải chắt chiu từng đồng lương mỗi tháng, tôi hiểu rất rõ thiếu tiền là nỗi đau thế nào. Nỗi đau ấy thường đeo bám chúng ta qua nhiều thế hệ. Ông cố tôi truyền tính tằn tiện cho ông ngoại. Ông ngoại truyền tính tằn tiện cho các cậu các dì, nhưng may là chừa mẹ tôi ra. Trong khi tất cả anh chị em của bà luôn chê bai mọi thứ đắt đỏ, mẹ tôi lại không bao giờ ngần ngại móc ví cho những thứ “đắt tiền” mà bà xem trọng như nước hoa Chanel, hoặc đi chợ mà không hề nhìn giá. “Ngày nào mẹ còn có khả năng mua những thứ này thì mẹ vẫn cứ mua”. Bà nói thế. Với tôi, điều này chứng tỏ mẹ không quá coi trọng đồng tiền như những người anh chị em ki bo của mình.
Mẹ tôi không có chấp niệm quá lớn với của cải, chứng tỏ nếu bà có lỡ mất đi một phần tài sản thì vẫn có thể đối phó tình huống một cách kiên cường.
Bà biết ngày xưa mình không giàu có và chưa chắc về sau vẫn sẽ giàu. Chúng ta cần tự nhắc bản thân rằng mình không tồn tại trên hành tinh này mãi mãi. Đời người ngắn lắm, đừng để tiền bạc chi phối cuộc sống chúng ta đến mức cực đoan. Nếu bạn muốn làm giàu, cứ việc. Còn nếu bạn không muốn thì cũng chẳng sao. Mấu chốt ở đây là đừng quá cố chấp với kết quả hay nối liền giá trị bản thân vào những yếu tố bên ngoài cuộc sống. Dù có chọn hướng nào đi nữa thì cũng hãy nhớ tiền bạc không phải là tất cả; phẩm giá và nhân cách của bạn mới là tất cả.
Darius Foroux/NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/lam-the-nao-de-su-thanh-than-khong-phu-thuoc-vao-dong-tien-post1547124.html