Khi con làm bố, mới hiểu lòng cha

Khi con làm bố, mới hiểu lòng cha
5 giờ trướcBài gốc
Là anh cả trong một gia đình có hai anh em trai. Em trai kém tôi 5 tuổi, nhỏ xíu, lém lỉnh và rất bám bố. Nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười - là khi hai anh em cùng chơi, cùng gọi bố ơi! Bố xem cái xe này chạy được chưa? Bố ơi, con với em ai đá bóng giỏi hơn? Nhưng cũng là tiếng gọi bố khi hai đứa tranh nhau đồ chơi, cãi nhau chí chóe chỉ vì một chiếc bánh hay cái kẹo. Bố là người phân xử, người "chữa lành" mọi rối rắm của tuổi thơ ngây dại của chúng tôi.
Có những ngày, bố đi làm xa, em thường hỏi: “Sao bố đi lâu thế hả anh? Bố về chưa?”. Rồi tối đến, nó lon ton vào phòng, leo lên giường bố nằm và nói nhỏ: “Em ngủ ở đây để đợi bố về...”. Mỗi lần gọi điện, nó chen lấn, dúi dúi cái tai vào điện thoại, tranh nói trước: “Bố ơi, mai bố về chở con đi học nha!”.
Và có cả những kỷ niệm nghịch ngợm không thể nào quên. Đó là hôm tôi và em mải chơi nơi đầu làng, quên giờ đưa em về ăn trưa. Khi về đến nhà thì thấy bố đã chờ sẵn với cây roi. Tôi thấy trong ánh mắt bố sự giận dữ lẫn lo lắng. Tôi cõng em và thầm nghĩ: “Nếu có bị phạt, chỉ mình anh chịu thôi, em còn nhỏ mà”. Một ký ức giản dị nhưng đong đầy yêu thương, vì trong những giây phút bị la mắng, chúng tôi học được tình anh em và hơn cả là nỗi lo thầm lặng của một người cha.
Cũng có lần, tôi làm sai điều gì đó, bị bố nghiêm khắc nhắc nhở. Tôi buồn, lại gần và hỏi: “Bố còn thương con không?”. Bố không trả lời ngay, chỉ kéo tôi vào lòng, nhẹ nhàng nói: “Bố la các con vì bố thương. Bố đánh các con không phải vì ghét bỏ mà vì bố muốn các con khôn lớn nên người. Sau này làm bố rồi, con sẽ hiểu…”.
Và giờ đây, khi tôi đã trưởng thành, đã có gia đình nhỏ của riêng mình, có những đứa trẻ ríu rít gọi tôi là bố, tôi mới thực sự thấm thía lời dạy năm nào. Những đứa trẻ ngày xưa chỉ biết gọi “Bố ơi!” mỗi khi vấp ngã, đói bụng hay muốn chơi cùng, giờ cũng đang lặp lại hành trình ấy với các con của mình. Và mới thấy, đúng như người xưa vẫn nói: “Thức đêm mới biết đêm dài, nuôi con mới biết công lao mẹ thầy”.
Tôi hiểu thế nào là những đêm mất ngủ, lo lắng khi con ốm. Tôi hiểu cảm giác chờ cửa của con mỗi khi trễ giờ về. Tôi hiểu cả những trăn trở không tên về tương lai của con trẻ… Và càng thấu hiểu, tôi càng thấy biết ơn. Biết ơn những tháng năm bố âm thầm hy sinh, biết ơn cả những lần bố la mắng để dạy tôi nên người. Bố tôi giờ đã già. Mái tóc đen nhánh ngày nào giờ đã pha sương. Nhưng ánh mắt bố, dáng ngồi trầm lặng của bố, tình yêu của bố vẫn nguyên vẹn như thuở tôi còn là một cậu bé. Dù đi xa đến đâu, dù bận rộn đến mấy, tôi biết, nơi đó vẫn luôn có một người chờ tôi về, không cần hoa, quà, chẳng cần điều to tát, chỉ cần nghe tiếng con gọi: “Bố ơi, con về rồi!”
Cảm ơn bố - người thầy đầu tiên, người hùng lặng lẽ của đời con!.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Đặng Hùng
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172354/khi-con-lam-bo-moi-hieu-long-cha