Một nhà máy lọc dầu tại Pulau Bukom, Singapore. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tạp chí The Conversation, các cú sốc dầu mỏ trong thập niên 1970 đã thúc đẩy những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kịch bản này có thể tái diễn nếu căng thẳng tại Trung Đông leo thang, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc chuyển đổi sang các hình thức năng lượng thay thế.
Lịch sử cho thấy, vào những năm 1970, khi giá dầu tăng gấp bốn lần, đã tạo ra những thay đổi đáng kể, từ việc phát triển các loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn đến sự quan tâm đột ngột đối với các nguồn năng lượng thay thế.
Nếu cuộc khủng hoảng tại Trung Đông kéo dài hoặc một cuộc khủng hoảng khác bùng lên, đây có thể là một bước ngoặt mới định hình thị trường dầu mỏ, đồng thời đánh dấu một bước chuyển trong việc Australia - quốc gia dựa chủ yếu vào nguồn năng lượng nhập khẩu - sử dụng dầu mỏ nước ngoài như thế nào.
Nếu các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ bị gián đoạn, dự trữ nhiên liệu của Australia chỉ đủ dùng trong khoảng 50 ngày. Gần 3/4 (74%) các loại nhiên liệu lỏng nhập khẩu tại Australia được sử dụng trong giao thông vận tải, trong đó giao thông đường bộ chiếm hơn một nửa (54%) tổng lượng nhiên liệu lỏng được tiêu thụ. Thực tế này khiến quốc gia lớn nhất châu Đại dương đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc nguồn cung toàn cầu. Điện hóa giao thông được xem là lựa chọn tối ưu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Australia và cuộc đua xe điện
Tỷ lệ sử dụng xe điện ở Australia tiếp tục kém xa so với các nước đi đầu toàn cầu. Năm 2024, xe điện chiếm 9,65% doanh số xe mới tại Australia, tăng từ 8,45% vào năm 2023. Trong quý I/2025, xe điện chiếm 6,3% doanh số bán xe mới, giảm so với 7,4% trong quý IV/2024.
Trong khi đó, Na Uy vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới với 88,9% doanh số xe con chạy bằng pin vào năm 2024. Vương quốc Anh cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, đạt gần 20% tổng số đăng ký xe mới. Trung Quốc vào năm 2024 chiếm 3/4 tổng doanh số xe điện toàn cầu.
Một lý do dẫn tới sự chậm chạp trong việc phát triển xe điện của Australia là thiếu cơ sở hạ tầng sạc công cộng. Mặc dù cơ sở hạ tầng sạc đang mở rộng, nhiều khu vực nông thôn của Australia vẫn không có khả năng tiếp cận một cách ổn định với các trạm sạc xe điện.
Trong thời gian dài, Australia tụt hậu so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tiêu chuẩn hiệu quả nhiên liệu, do thiếu các quy định mang tính bắt buộc mạnh mẽ. Mặc dù gần đây Chính phủ Australia đã ban hành các tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu mới, dự kiến sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe điện, nhưng cần có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Cú hích cho tương lai năng lượng sạch
Nếu dự đoán tương lai dựa trên những gì lịch sử đã để lại, thì các cú sốc về dầu mỏ sẽ dẫn đến những thay đổi lâu dài.
Các cú sốc dầu mỏ những năm 1970 đã kích hoạt làn sóng cải cách năng lượng. Khi giá dầu toàn cầu tăng gấp bốn lần vào năm 1973–1974, nhiều nước buộc phải xem xét lại nguồn năng lượng quốc gia. Vài năm sau, Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 gây ra sự gián đoạn nguồn cung lớn tiếp theo, đẩy giá dầu tăng vọt và làm cho phần lớn thế giới rơi vào suy thoái.
Những cú sốc đó đã thúc đẩy việc thành lập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào năm 1974, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng thay thế và dẫn đến những tiến bộ trong tiêu chuẩn về hiệu quả nhiên liệu.
Gần đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã buộc Liên minh châu Âu (EU), vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, phải tìm kiếm các giải pháp thay thế bằng cách nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia khác. Khối này đồng thời đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Rõ ràng, các cú sốc năng lượng có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi cấu trúc dài hạn trong cách thế giới sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
Nếu giá nhiên liệu tăng vọt và duy trì ở mức cao, hành vi tiêu dùng sẽ bắt đầu thay đổi. Mọi người sẽ lái xe ít hơn và tìm kiếm các hình thức giao thông thay thế. Theo thời gian, nhiều người sẽ lựa chọn những cách thức khác phù hợp hơn để đi lại. Tuy nhiên, nếu không có các hình thức hỗ trợ mạnh mẽ như việc ban hành các chương trình khuyến khích chuyển đổi, xây dựng cơ sở hạ tầng và kế hoạch an ninh nhiên liệu, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng có thể quá chậm và không đủ để tạo ra sự khác biệt.
Một tương lai năng lượng sạch an toàn hơn
Cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua điện khí hóa không chỉ tốt cho khí hậu, mà còn là một “hàng rào” phòng thủ chống lại các cú sốc giá và gián đoạn nguồn cung trong tương lai.
Giao thông vận tải hiện là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ ba ở Australia. Khi lượng khí thải đang giảm trong lĩnh vực sản xuất điện, giao thông vận tải sẽ là nguồn phát thải cao nhất ở Australia bắt đầu từ năm 2030.
Xây dựng một hệ thống giao thông sạch hơn cũng có nghĩa là xây dựng một hệ thống bền vững hơn. Sạc xe điện bằng năng lượng tái tạo sản xuất trong nước giúp giảm bớt việc Australia tiếp xúc với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Điều này cũng đúng đối với nhiên liệu sinh học, một hệ thống giao thông công cộng tốt hơn và quy hoạch đô thị thông minh hơn.
Cải thiện khả năng phục hồi năng lượng trong nước không chỉ liên quan tới các mục tiêu khí hậu, mà còn liên quan tới ổn định kinh tế và an ninh quốc gia. Các nguồn năng lượng sạch trong nước sẽ làm giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương trước các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của Australia.
Australia có thể học được gì từ Trung Quốc?
Câu chuyện phát triển năng lượng xanh của Trung Quốc là bài học kinh nghiệm hấp dẫn đối với Australia. Quốc gia 1,4 tỷ dân này phải đối mặt với những thách thức an ninh dầu mỏ thực sự. Để đối phó, Bắc Kinh đã dành cả thập kỷ vừa qua để xây dựng một hệ sinh thái năng lượng sạch trong nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và cắt giảm khí thải.
Điều này hiện đang mang lại kết quả. Năm ngoái, nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã có sự sụt giảm bền vững đầu tiên trong gần hai thập kỷ. Nhập khẩu dầu thô giảm 1,5%, trong khi hoạt động lọc dầu cũng giảm do nhu cầu thấp hơn.
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự phối hợp chính sách, đầu tư công nghiệp và sự ủng hộ của công chúng đối với giao thông sạch.
Sự chuyển đổi nhanh chóng của Trung Quốc sang xe điện và năng lượng sạch cho thấy cách quy hoạch dài hạn và đầu tư có mục tiêu có thể mang lại hiệu quả về khí hậu và an ninh năng lượng.
Việc thúc đẩy một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là hướng tới một hệ thống sạch hơn và bền vững hơn, sẽ không thể thành công chỉ bằng việc neo giá xăng dầu ở mức cao. Nó đòi hỏi ý chí chính trị, đầu tư có mục tiêu và một tầm nhìn dài hạn cho giao thông sạch và bền vững.
Việc không hành động sẽ đi kèm với những cái giá thực sự, không chỉ thể hiện ở khoản tiền mà người dân phải chi trả ở các trạm xăng. Quan trọng hơn, nó khiến đất nước dễ bị tổn thương hơn trước những sự kiện xảy ra ở những nơi xa xôi, nằm ngoài tầm kiểm soát, đe dọa đến an ninh năng lượng và sự ổn định kinh tế quốc gia.
Lê Đạt/BNEWS/vnanet.vn