Một fanpage có 20.500 thành viên "bóc phốt" một cô gái quỵt nợ với hình ảnh cá nhân rõ ràng nhưng không đưa ra cơ sở nào để khẳng định đây là việc có thật
Dễ dàng lập fanpage, hội nhóm trên Facebook
Hải Dương hiện có nhiều fanpage, nhóm của các tổ chức, cá nhân trên Facebook. Trong khi đa số các trang, hội nhóm chỉ đăng tải thông tin phục vụ công việc, những hình ảnh, câu chuyện tích cực, thì nhiều trang, hội nhóm dễ dàng đưa ra các thông tin sai sự thật, thậm chí vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm đời tư, vi phạm bản quyền...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các fanpage, group xuất hiện với mật độ dày đặc. Đó là việc thiết lập rất dễ dàng, chỉ cần có tài khoản Facebook, không cần xin phép cơ quan chức năng... Các fanpage, group có đông thành viên, người theo dõi thường xuyên đăng tải quảng cáo bán hàng, kinh doanh bất động sản... có thể mang về cho admin (người quản trị) một khoản thu nhập không nhỏ.
Ngày 11/1, báo điện tử Hải Dương phản ánh trang "Nam Sách một miền quê" đăng thông tin sai sự thật về việc một cháu bé bị bắt cóc sang Trung Quốc. Thực chất cháu bé trên bị bỏ rơi và được công an nuôi dưỡng, chờ người đến nhận và câu chuyện này đã xảy ra từ năm 2017.
Từ ngày 25/12/2024, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam buộc phải định danh tài khoản thông qua số điện thoại di động nếu muốn đăng bài, bình luận hoặc livestream. Tuy nhiên, trên các fanpage, group vẫn cho phép người đăng ẩn danh, dẫn đến người dùng Facebook vẫn có thể tùy tiện đưa các nội dung thiếu kiểm chứng lên nền tảng này. Một admin có kinh nghiệm quản trị nhiều fanpage, group cho biết một số người lập ra các trang với mục đích là tạo thu nhập nhưng mơ hồ về các quy định của pháp luật.
Một chủ tài khoản tung tin thất thiệt về vỡ đê trong cơn bão số 3 năm 2024 bị Công an huyện Cẩm Giàng xử lý (ảnh công an cung cấp)
Tại Hải Dương, không ít chủ tài khoản Facebook đã từng bị công an xử phạt do đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, nhất là trong cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024
Có người ở tỉnh này (thậm chí ở nước ngoài) nhưng quản trị trang ở tỉnh khác nên càng khó kiểm chứng thông tin đăng tải. Cuối năm 2024, admin các fanpage "Beat Bắc Ninh", "Beat Thuận Thành", "Beat Bắc Ninh - Video & Ảnh - Không che" bị Công an thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) xử phạt vì đăng thông tin chưa kiểm chứng, có nội dung sai sự thật. Admin này ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), không liên quan gì đến Bắc Ninh.
Các fanpage, group với hàng nghìn, thậm chí hàng vạn thành viên, người theo dõi, nếu đăng thông tin sai thì mức độ nguy hiểm rất lớn. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương, cơ quan này đã từng xử lý các cá nhân đơn lẻ đăng thông tin sai sự thật nhưng chưa xử lý quản trị của các nhóm. Việc giám sát để phát hiện, xử lý sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Cân nhắc trước khi thích, chia sẻ
Trong số hàng trăm fanpage, group có đông thành viên, người theo dõi tại Hải Dương hiện nay, có những trang xây dựng tiêu chí, mục đích rõ ràng, chỉ đăng tải các thông tin mang tính tích cực, vui vẻ và admin chịu trách nhiệm nội dung chứ không để ở chế độ mở cho thành viên có thể tự đăng bài.
Là người từng quản trị Cổng thông tin điện tử của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, anh Đỗ Đức Kiên, hiện đang quản trị trang Checkin Hải Dương với hàng nghìn lượt theo dõi. Anh Kiên cho biết khi đưa trang Checkin Hải Dương vào hoạt động đã xây dựng tiêu chí rõ ràng và chỉ xoay quanh chủ đề tin tức, du lịch, ẩm thực. Trang cũng chỉ sử dụng hình ảnh và bài viết có bản quyền hoặc được cho phép sử dụng. Quản trị trang chịu trách nhiệm nội dung và kiểm soát chặt chẽ các bình luận, có thể xóa các bình luận tiêu cực, vi phạm...
Trang fanpage của Báo Hải Dương là kênh thông tin tin cậy để bạn đọc theo dõi
Ngoài các trang cá nhân uy tín, thực hiện đúng quy định, các trang của tổ chức, nhất là trang của cơ quan báo chí độ tin cậy thường cao hơn.
Theo anh Đỗ Đức Hải, một người dùng Facebook lâu năm tại Hải Dương, người dùng Facebook trở thành thành viên, người theo dõi của bất kỳ fanpage, group nào là quyền tự do của họ. Tuy nhiên phải thận trọng khi thích, chia sẻ các bài viết để tránh trở thành công cụ lan tỏa thông tin vi phạm.
"Một lý do khiến nhiều fanpage, hội nhóm hiện nay đăng tải các thông tin nhiễu loạn do chủ các trang này không đủ công cụ, con người hoặc thiếu khả năng kiểm chứng thông tin. Trong khi đó, một số thành viên có thể thiếu hiểu biết pháp luật, tự đưa thông tin lên không có kiểm chứng, không được giám sát của quản trị viên, thậm chí sẵn sàng câu view để tăng tương tác bán hàng", anh Đỗ Đức Hải đưa ra nhận định.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022) quy định:
- Phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.
Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc...
- Phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...
TIẾN HUY