Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin cúm hằng năm. Vì cúm mùa xảy ra theo mùa, nên mỗi người tiêm vắc xin cúm trước mùa cúm, thường là mùa đông - xuân ở miền Bắc và quanh năm ở miền Nam, để cơ thể có đủ thời gian tạo kháng thể bảo vệ chống lại bệnh cúm.
Vắc xin cúm chứa các thành phần của vi rút cúm đã được bất hoạt hoặc giảm độc lực. Khi vắc xin được tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận diện các thành phần này là "ngoại xâm" và bắt đầu sản xuất kháng thể. Thông thường, phải mất khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiêm thì cơ thể mới có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ chống lại vi rút cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm đạt mức cao nhất sau khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiêm và có thể kéo dài từ 6 - 12 tháng, vì vậy mỗi năm chỉ tiêm một lần là đủ.
Có 3 đối tượng chính cần phải tiêm vắc xin cúm là: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Người trên 65 tuổi. Phụ nữ có thai.
Ngoài ra, người có bệnh mãn tính như tim mạch, hô hấp, tiểu đường, suy giảm miễn dịch... Nhân viên y tế. Người sống trong môi trường tập thể (nhà trẻ, trường học, viện dưỡng lão...) cũng cần tiêm vắc xin cúm.
Các đối tượng trên khi tiêm vắc xin cúm sẽ giảm nguy cơ mắc cúm: Vắc xin giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại vi rút cúm, giảm nguy cơ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngay cả khi mắc cúm, người đã tiêm vắc xin cũng có xu hướng bệnh nhẹ hơn, ít biến chứng hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tiêm được, một số trường hợp không nên tiêm vắc xin cúm là người có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc đang bị sốt cao.
Đối với thuốc kháng vi rút, nhóm người cần dùng thuốc này là những người có nguy cơ biến chứng cao như trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính...Thuốc kháng vi rút không phải là thuốc phòng bệnh, nó chỉ có tác dụng khi đã mắc bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Sử dụng thuốc phải sớm trước 48 giờ, đúng liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC