Khi người lớn 'tạo vòng bảo vệ' cho học sinh

Khi người lớn 'tạo vòng bảo vệ' cho học sinh
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều trường học đang có buổi dạy kỹ năng bảo vệ an toàn cho cả học sinh, giáo viên. (Nguồn: THCS Suối Hoa)
Thầy cô và học sinh đều cần nâng cao kỹ năng sống
Mới đây, tại TP Hải Phòng, câu chuyện một học sinh mầm non bị bắt cóc khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Em nhỏ tên N.T.M đang theo học tại một trường mầm non tương đối tốt ở địa bàn sinh sống. Trong một buổi học, lớp của em M có một giáo viên và ba mươi học sinh. Đến giờ tan trường, một người phụ nữ lạ tên T không phải bố mẹ tới đón M. Một lúc sau, gia đình mới đến đón và “tá hỏa” khi phát hiện em đã bị người khác đón đi. Điều đáng chú ý, khi cô giáo giao N.T.M cho T, em rất vui vẻ ra về cùng T.
T có dấu hiệu bệnh tâm lý, không quen biết với gia đình M và muốn bắt cóc để nuôi dưỡng M. M đã được cơ quan chức năng tìm thấy, giải cứu thành công và trao trả về cho gia đình.
Vào năm 2024, vụ việc một nam sinh học THCS bị bạn đánh đến mức tử vong khiến nhiều người đau lòng. Nam sinh thuộc diện khó khăn, mồ côi bố, mẹ từ quê lên thành phố để bươn chải mưu sinh. Trong một lần chơi thể thao, nam sinh có xích mích với bạn bè của mình và bị M ra tay đấm liên tục. Mặc dù chỉ là hành vi nông nổi, hiếu thắng của M, nhưng do lực đánh quá mạnh, nam sinh đã bị tổn thương nặng và mất không lâu sau đó. Còn M dù mới 14 tuổi, đã phải đối diện với những án phạt nặng nề, M và bố mẹ đã phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 1 tỷ đồng.
Thực tế, hiện nay, trẻ em, thanh, thiếu niên đối diện với rất nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Ví dụ như bị bắt cóc, bị lạm dụng tình dục, thậm chí còn bị đánh đập, bạo lực học đường cả về tinh thần và thể chất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm, sinh lý của các em. Có rất nhiều học sinh trở nên rụt rè, nhút nhát, bị mắc bệnh trầm cảm sau khi trải qua những biến cố trong môi trường giáo dục.
“Trẻ con như tờ giấy trắng”, các em nhìn thế giới, xã hội với một con mắt ngây thơ, chưa trải sự đời. Hầu hết cách ứng xử của các em đều do người lớn dạy bảo hoặc bắt chước theo phong cách bố mẹ, phim ảnh. Chính vì vậy, các em thường là đối tượng được những kẻ xấu nhắm đến. Bản thân học sinh cũng chưa thể kiểm soát hành vi của mình, các em thường làm theo bản năng, cảm xúc. Mà nếu như không có sự định hướng đúng đắn của phụ huynh, nhà trường sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng chính cuộc đời của các em sau này.
Nhiều trường đang tích cực tạo ra các “vòng bảo vệ” an toàn dành cho các em. Hai đối tượng cần được nâng cao kỹ năng và kiến thức về bảo vệ trẻ em là các thầy, cô giáo và học sinh. Có rất nhiều trường thường xuyên tổ chức những lớp dạy kỹ năng sống cho cả thầy cô và học sinh.
Một số trường học đã giả lập các tình huống bắt cóc để học sinh, giáo viên cùng tham gia xử lý tình huống. Đây là một hoạt động tạo cho các em có kỹ năng rơi vào trường hợp bị kẻ xấu bắt cóc, lợi dụng. Gần đây nhất, vào tháng 4, Hội đồng Đội TP Hà Nội cùng Trường Lê Duẩn tổ chức lớp tập huấn “Phòng, chống quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em” cho hơn 400 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội khối quận. Buổi tập huấn hướng dẫn đã cho các thầy, cô giáo khái niệm về xâm hại tình dục trẻ em, các nguy cơ trẻ em có khả năng bị xâm hại tình dục.
Phụ huynh đang nỗ lực học các khóa làm cha, mẹ để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực cho con cái. (Ảnh minh họa: Chilux)
Ngoài ra, hiện nay, có rất nhiều buổi tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường. Những buổi học không chỉ là lý thuyết khô cứng, mà học sinh, giáo viên được nhà trường cung cấp kiến thức thực tế về pháp luật, về đạo đức..., đồng thời các em sẽ được tâm sự, chia sẻ cùng thầy cô và ban lãnh đạo nhà trường.
Vào tháng 3, tại TP Hồ Chí Minh, Trường THCS Trần Quốc Toản phối hợp với các luật sư thuộc Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các Luật sư đã tổ chức Phiên tòa giả định xét xử về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được tái hiện dựa trên một vụ án có thật, được các Luật sư biên tập lại để phù hợp với công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật mang tính hiệu quả cao đối với học sinh, có đầy đủ quy trình xét xử như một vụ án xét xử tại Tòa án.
Tại tỉnh Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Giang phối hợp Viện Nghiên cứu Thanh niên tổ chức Chương trình “Tư vấn tâm lý” và “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên, thanh, thiếu niên” năm 2025. Chương trình có sự tham gia của hàng trăm học sinh cùng các thầy, cô giáo. Tại đây, các em có phần thi tài năng vẽ tranh phòng, chống bạo lực, tệ nạn xã hội. Sau đó, học sinh, giáo viên sẽ được hỗ trợ tư vấn tâm lý, lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia để cân bằng cuộc sống học tập, vui chơi lành mạnh trong gia đình, nhà trường.
Phụ huynh tích cực học cách làm cha, mẹ
Tạo ra môi trường học đường an toàn, lành mạnh không chỉ ở trường học, mà ngay tại gia đình các em cần nhận được sự quan tâm của bố mẹ, ông bà. Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những trẻ em bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bắt cóc đôi khi do thiếu sự giáo dục, quan tâm của gia đình. Các em có thể không được dạy những kỹ năng sống cần thiết để phòng tránh, cảnh giác với người lạ và bảo vệ thân thể của mình. Có những em do thiếu thốn tình cảm mà dễ dàng nghe lời dẫn dụ của kẻ xấu, rồi bị bắt cóc hoặc bị lạm dụng.
Giáo dục gia đình quyết định đến 80% tính cách, thói quen của trẻ em. Gia đình không chỉ là nơi trẻ em được sinh ra mà còn là môi trường đầu tiên mà trẻ tiếp xúc. Trẻ em học cách nói chuyện, hành xử và hình thành nhân cách từ những điều nhỏ bé trong gia đình. Do đó, một gia đình tràn đầy yêu thương sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn, hình thành sự tự tin và ý thức về giá trị bản thân. Khi trẻ biết rằng mình luôn được cha mẹ yêu thương, bảo vệ, chúng sẽ có động lực để khám phá và học hỏi.
Điều quan trọng nhất, cha, mẹ cần phải dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con cái. (Ảnh minh họa - Nguồn: PV)
Trên thực tế, trẻ em thường học qua việc quan sát. Những hành động của cha mẹ, từ cách giao tiếp, đối xử với người khác đến cách giải quyết khó khăn đều là tấm gương để trẻ noi theo. Một người cha biết giữ lời hứa hay một người mẹ ân cần sẽ dạy cho trẻ những giá trị đạo đức quan trọng như trung thực, tôn trọng và trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc giáo dục kỹ năng cho con trẻ chính là bố mẹ cũng thiếu kỹ năng trầm trọng. Cũng như họ thiếu định hướng trong việc giáo dục con cái, không bắt nhịp kịp với sự thay đổi của cuộc sống, lúng túng giữa phương pháp giáo dục truyền thống và các phương pháp hiện đại.
Giữa những tác động phức tạp của cuộc sống ngày nay, cha mẹ không thể chỉ yêu thương con bằng bản năng mà đòi hỏi phải có kỹ năng, phương pháp. Việc cha mẹ tìm đến các lớp học dạy con là điều đáng khuyến khích, ít nhiều cho thấy phụ huynh đã quan tâm đến việc giáo dục con một cách khoa học hơn, hoặc họ thấy “lỗ hổng” của mình trong việc dạy con. Nắm được vấn đề này, nhiều lớp học dạy nuôi con của các trung tâm giáo dục ngày càng nở rộ.
Nhưng điều quan trọng nhất, sau khi phụ huynh đăng ký, nỗ lực theo học những chuỗi khóa học về cách làm cha, làm mẹ, cần phải thực hành và dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con cái. Như theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức CensusWide được ủy quyền bởi công ty phát nhạc ROXI tại Anh đã phát hiện ra hơn một nửa (54%) tất cả các bậc cha mẹ đang lo ngại về thời gian con cái họ dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng và máy chơi game. Trẻ em hiện đang dành trung bình 3 giờ18 phút mỗi ngày cho các thiết bị cá nhân và chỉ 1 giờ 43 phút mỗi ngày để trò chuyện với phụ huynh.
Nhờ có việc tâm sự, trò chuyện, cùng vui chơi với các con, mà phụ huynh có thể biết được những thay đổi của trẻ. Đặc biệt, nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn như có người lạ đang tiếp cận các em hay thanh, thiếu niên đang đối diện với bạo lực học đường. Để từ đó, mỗi gia đình có những thay đổi bảo vệ trẻ an toàn hơn trong môi trường học đường.
Hương Ngọc
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/khi-nguoi-lon-tao-vong-bao-ve-cho-hoc-sinh-post549528.html