Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Bình Thuận

Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Bình Thuận
7 giờ trướcBài gốc
Thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng đủ cho việc thực hiện chương trình mới
Bước vào năm học mới 2024-2025 được gần 2 tháng, Trường tiểu học Bình Hưng (Tp.Phan Thiết) hiện có 23 lớp với tổng số 759 học sinh.
Ngày 21/10, trao đổi về công tác triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, cô Nguyễn Thị Mỹ Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hưng, thông tin với Người Đưa Tin: Nhà trường đã bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm lâu năm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhà trường có 100% giáo viên được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình sách giáo khoa, kỹ thuật, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Mỗi lớp học đều được trang bị ti vi kết nối Internet, hỗ trợ tốt công tác dạy cho giáo viên, học sinh có đủ đồ dùng học tập đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học lớp 1,2,3,4,5 theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một tiết học ở Trường tiểu học Bình Hưng (Tp.Phan Thiết).
Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hưng cho biết, nhà trường đã thực hiện dạy các môn bắt buộc và các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Trường tiểu học Bình Hưng, Tp.Phan Thiết khai giảng năm học mới.
Về khó khăn hiện nay của Trường tiểu học Bình Hưng, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Chi cho rằng, một số cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học của các em, trang thiết bị dạy học lớp 3,4,5 chưa được trang bị đầy đủ. Khả năng lĩnh hội, tiếp cận với những phương pháp và kỹ thuật dạy học mới của giáo viên chưa đồng đều nên việc áp dụng cũng còn nhiều trở ngại ở một số lớp.
Còn đối với Trường THCS Nguyễn Thông (phường Phú Hài, Tp.Phan Thiết), đa phần học sinh ở đây là con em gia đình làm nghề biển, lao động phổ thông.
Để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thông - cô Mai Hoàng Thao - cho biết, ngay từ đầu tháng 8 hằng năm, nhà trường đã phối hợp với Hội Khuyến học các cấp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ học bổng, sách vở, áo quần, xe, mua BHYT cho những học sinh thuộc diện gia đình nghèo, gia đình gặp nhiều khó khăn để các em đến trường.
Đồng thời, chủ động phối hợp với địa phương vận động học sinh bỏ học giữa chừng ra lớp, nhất là ở các thời điểm đầu năm học và sau Tết Nguyên đán.
Trường THCS Nguyễn Thông ở phường Phú Hài (Tp.Phan Thiết).
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thông Mai Hoàng Thao cho hay, trường hiện thiếu 2 giáo viên theo định mức biên chế và cơ cấu giáo viên chưa đồng bộ, nhất là giáo viên bộ môn Ngữ văn. Bên cạnh đó, trang thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng đủ cho việc thực hiện chương trình mới.
Thiếu giáo viên giảng dạy các môn
Thông tin với PV, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cho rằng, ngành giáo dục đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số địa phương còn thiếu giáo viên giảng dạy các môn Giáo dục địa phương, Hướng nghiệp - Trải nghiệm, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Theo đó, cấp học tiểu học còn thiếu giáo viên các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, giáo viên cơ bản; cấp học trung học cơ sở còn thiếu giáo viên các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Riêng đối với cấp học trung học phổ thông, việc học sinh tự chọn tổ hợp môn tiếp tục làm mất cân đối đội ngũ giáo viên, một số bộ môn dôi dư thêm giáo viên: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, một số bộ môn thiếu giáo viên: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Địa lí, Tiếng Anh.
Việc thiếu giáo viên ít nhiều gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong phân công, bố trí giảng dạy, kiêm nhiệm và làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, giáo dục tại các địa phương.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng.
Về giải pháp để giải quyết, khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cho hay, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có sao cho phù hợp để ổn định biên chế trường lớp đầu năm học 2024-2025.
Tuyển dụng giáo viên tiểu học để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học 2024-2025; đồng thời rà soát, bố trí giáo viên đảm bảo cơ cấu biên chế đối với cấp học mầm non và trung học cơ sở, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với cấp học trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, cân đối đội ngũ, giảm thiểu tối đa số giáo viên dôi dư; bố trí đội ngũ giáo viên hiện có, đảm bảo cơ cấu bộ môn, đủ giáo viên cho năm học 2024-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng trao học bổng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bình Thuận nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết, năm học 2024-2025, qua rà soát, đối với 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thiếu trên 710 giáo viên (cấp mầm non: thiếu trên 65 giáo viên; cấp tiểu học: thiếu trên 451 giáo viên, cấp trung học cơ sở: thiếu trên 194 giáo viên).
Nguyễn Đắc Phú
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/kho-khan-vuong-mac-khi-ap-dung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-o-binh-thuan-204241004131018853.htm