Khoảng 600 học sinh trường THCS công học thêm ở một trung tâm: Hiện tượng 'lạ'

Khoảng 600 học sinh trường THCS công học thêm ở một trung tâm: Hiện tượng 'lạ'
7 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa, đang dạy thêm cho hàng trăm học sinh. Đáng chú ý, hầu như tất cả các học sinh này đều đến từ một trường trung học cơ sở công lập gần đó. [1]
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã ban hành Công văn số 1284/SGDĐT-GDTrH yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa phối hợp với Phòng PA03-Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thông tin.
Hồi 9h00’ ngày 23/4/2025, Phòng Giáo dục quận Đống Đa cùng đại diện Phòng PA03-CA Thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo phường Láng Thượng, đại diện Công an Phường Láng Thượng tiến hành kiểm tra hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga cơ sở 2 (Địa chỉ: Số 33 ngõ 82 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa).
Qua kiểm tra, đoàn công tác xác định có 29 giáo viên đang dạy, khoảng 600 học sinh trung học cơ sở đang học ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga nằm trên phố Chùa Láng.
Trung tâm này cũng bị phát hiện có một số vi phạm như chưa niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, danh sách người dạy thêm, mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm học thêm theo Mẫu số 02- Điểm b, khoản 1 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024.
Trong hồ sơ giáo viên giảng dạy tại trung tâm, thiếu 04 hợp đồng lao động; hợp đồng lao động của Trung tâm ký với các giáo viên còn chưa thể hiện đầy đủ các nội dung như vị trí việc làm, thời gian làm việc,…, thiếu giấy khám sức khỏe định kỳ (Luật lao động 2019).
Chưa xuất trình được hồ sơ sổ sách liên quan đến việc thu phí hàng tháng tại trung tâm.
Công tác phòng cháy chữa cháy còn tồn tại, chưa xuất trình được hồ sơ phòng cháy chữa cháy, đã trang bị hệ thống bình bọt, tiêu lệnh và nội quy chỉ có ở tầng 1.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga về những tồn tại, vi phạm theo quy định và tạm dừng hoạt động của trung tâm này từ 12 giờ ngày 23/4; đồng thời yêu cầu trung tâm thông báo tới phụ huynh học sinh và thực hiện các yêu cầu nghĩa vụ tài chính đối với phụ huynh học sinh khi dừng học, bảo đảm quyền lợi của học sinh.
Đoàn kiểm tra đề nghị phường Láng Thượng giám sát việc thực hiện yêu cầu dừng hoạt động của trung tâm; đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa tiếp tục làm việc với Trường Trung học cơ sở Láng Thượng và các trường trong quận nhằm tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Từ câu chuyện trên, dư luận đặt ra một số băn khoăn về việc tại sao nói học thêm là tự nguyện nhưng lại có rất đông đảo học sinh của một trường công lập đến cùng một trung tâm để học thêm. Bên cạnh đó là băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng trong quá trình dạy và học. Đồng thời, việc giám sát, quản lý dạy thêm học thêm liệu đã đạt hiệu quả hay chưa?
Nhiều học sinh học thêm ở trung tâm đều đến từ một trường là "có dấu hiệu bất thường"
Liên quan đến câu chuyện trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc hàng trăm học sinh hầu hết đến từ một trường công lập học thêm tại một trung tâm có dấu hiệu bất thường.
Thầy Ngai lý giải: "Vấn đề này không chỉ đáng chú ý vì quy mô lớn mà còn vì tính bất thường của nó. Thứ nhất, tại sao lại có tình trạng hầu hết các em học thêm tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga hầu hết đều là học sinh của một trường công lập? Thứ hai, liệu "có sự móc nối" nào để dẫn đến tình trạng nêu trên?
Ngoài ra, băn khoăn về tính tự nguyện của học sinh và phụ huynh, liệu các em có thực sự muốn tham gia, hay đây là kết quả của áp lực từ giáo viên hoặc môi trường học đường?... Dư luận có quyền đặt ra những nghi vấn liên quan, mặc dù trên thực tế, nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh là có thật. Nhưng đừng nên lợi dụng nhu cầu này để ảnh hưởng đến quyền tự do lựa chọn, học thêm tự nguyện của học sinh, phụ huynh".
Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, sự việc này còn đặt ra câu hỏi về chất lượng giáo dục chính khóa. Nếu một trường công lập có tới hàng trăm học sinh phải tham gia học thêm, liệu chương trình giảng dạy tại trường có thực sự hiệu quả? Với kinh nghiệm quản lý nhiều năm, tôi thấy vẫn xuất hiện tình trạng thầy cô giáo sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để lôi kéo, thu hút học sinh đi học thêm. Đó là việc khó có thể chấp nhận được".
Cũng theo thầy Ngai, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào cuối năm 2024 là hành lang pháp lý rõ ràng để giáo viên được dạy thêm chính đáng, tránh những tiêu cực không đáng có. Do đó, cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ việc tổ chức như thế nào để góp phần hạn chế tối đa nhất những vấn đề tiêu cực mà dạy thêm học thêm có thể mang lại, chẳng hạn như trường hợp tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt Nga "thu hút" đông đảo học sinh một trường công lập tham gia.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu một số đề xuất để việc dạy thêm, học thêm đảm bảo, giảm áp lực học hành cho học sinh.
Thứ nhất, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, đảm bảo rằng chương trình học tại trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu của học sinh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các lớp học thêm.
Thứ hai, tăng cường giám sát, thành lập các đoàn thanh tra định kỳ hoặc đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh, học sinh về các hành vi ép buộc hoặc tổ chức dạy thêm trái phép.
Thứ ba, dạy thêm học thêm cần được công khai minh bạch thông tin về các lớp học thêm, bao gồm danh sách giáo viên, nội dung giảng dạy và mức học phí.
Thứ tư, đối thoại với phụ huynh và học sinh, đồng thời có sự điều chỉnh cách thức đánh giá để học sinh không phải chạy đua với các lớp học thêm chỉ để đạt điểm cao hay tâm lý "chạy theo số đông.
Thứ năm, các trường cần có quy định rõ ràng về việc giáo viên dạy thêm, bao gồm thời gian, địa điểm và điều kiện được phép. Các quy định này nên được công khai để phụ huynh và học sinh nắm rõ.
"Khi phát hiện trung tâm dạy thêm hoạt động không đúng quy định, chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiểm tra và áp dụng biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ khi vấn đề dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ và giải quyết tận gốc, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng giáo dục thực sự là nơi nuôi dưỡng tri thức và phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ", thầy Ngai nhấn mạnh thêm.
Nếu nhu cầu học thêm bị lợi dụng dẫn đến nhiều hệ lụy
Cùng trao đổi, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do của học sinh, đồng thời đặt trách nhiệm quản lý, giám sát của cơ quan quản lý để đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Thi Thi.
"Dạy thêm, học thêm không chỉ đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức của học sinh mà còn là một phần trong quyền tự do lựa chọn của các em và phụ huynh. Vấn đề nằm ở cách chúng ta quản lý hoạt động này sao cho minh bạch, hiệu quả và không gây áp lực cho bất kỳ bên nào. Tại sao có đến hàng trăm học sinh của một trường trung học cơ sở công lập tập trung học thêm tại một trung tâm? Liệu có nghi vấn hay sự móc nối gì đằng sau hay không?
Các lớp học thêm giúp học sinh nắm chắc kiến thức, đặc biệt là những em gặp khó khăn trong học tập. Đồng thời, các lớp bồi dưỡng nâng cao hỗ trợ học sinh giỏi phát triển năng lực và chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, nếu học thêm bị lợi dụng dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trước đây, trên thực tế vẫn có xảy ra tình trạng học sinh bị gây áp lực nếu không tham gia các lớp học thêm", Đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ.
Ngoài ra, Đại biểu Trương Xuân Cừ cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan quản lý giáo dục trong việc giám sát và đánh giá hoạt động của các trung tâm này. Các cơ quan quản lý cần tập trung vào một số khía cạnh trọng tâm, bao gồm:
Một là, trung tâm có đảm bảo cung cấp chương trình học chất lượng, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh hay không?
Hai là, tuân thủ chương trình giáo dục, trung tâm dạy thêm cần đảm bảo rằng nội dung giảng dạy phù hợp với chương trình giáo dục chính quy, không lệch hướng hoặc bổ sung những nội dung không cần thiết.
Một yếu tố quan trọng khác là việc đảm bảo rằng quá trình dạy và học không tạo ra áp lực không cần thiết cho học sinh.
Theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, một trong những giải pháp dài hạn là sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho dạy thêm học thêm trong nhà trường. Đối với học sinh yếu, các lớp phụ đạo miễn phí sẽ giúp các em cải thiện kết quả học tập, giảm áp lực tài chính cho gia đình. Với học sinh giỏi, các lớp bồi dưỡng nâng cao sẽ cung cấp kiến thức chuyên sâu, khuyến khích phát triển tài năng và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.
Việc sử dụng ngân sách không chỉ đảm bảo công bằng giáo dục mà còn giúp nhà trường kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nội dung giảng dạy, tránh tình trạng lạm dụng dạy thêm để trục lợi.
Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) chia sẻ, việc 600 học sinh, trong đó hầu như các em đều đến từ một trường trung học cơ sở công lập cùng tham gia học thêm tại một trung tâm là "hiện tượng lạ".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP
"Do đó, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động học thêm dạy thêm ở các trung tâm tương tự, để không còn tình trạng như tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Việt nga vừa qua. Nếu dạy thêm, học thêm không được quản lý chặt chẽ thì dễ tạo ra những hệ lụy tiêu cực như bất bình đẳng trong giáo dục, áp lực tài chính cho phụ huynh và học sinh bị căng thẳng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho hay.
Ngoài ra, theo cô An, cần có những biện pháp cụ thể để quản lý tốt hoạt động dạy thêm, đảm bảo các trung tâm, các nhà trường thực hiện đúng quy định của Thông tư số 29.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh thêm: "Trong mọi trường hợp, việc đảm bảo quyền lợi của học sinh là quan trọng nhất. Việc đi học thêm phải dựa trên tinh thần tự nguyện, theo nhu cầu thực tế chứ không phải vì bất cứ áp lực nào khác. Phụ huynh cũng cần cẩn trọng về các lựa chọn giáo dục phù hợp cho con em mình, tránh tâm lý chạy theo đám đông mà để con trẻ học ở các trung tâm không đảm bảo điều kiện, chất lượng".
Tài liệu tham khảo:
[1]:https://vtv.vn/giao-duc/ha-noi-tam-dung-hoat-dong-cua-co-so-day-them-600-hoc-sinh-20250425002132691.htm
Tuệ Nhi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/khoang-600-hoc-sinh-truong-thcs-cong-hoc-them-o-mot-trung-tam-hien-tuong-la-post250939.gd