Khoảng trống lao động sau tuổi 35 - Kỳ 2: 'Sống mòn' với giờ làm thêm

Khoảng trống lao động sau tuổi 35 - Kỳ 2: 'Sống mòn' với giờ làm thêm
8 giờ trướcBài gốc
Việc làm là chỗ dựa để trang trải cuộc sống, nhưng người ta không thể cứ mãi vắt sức lao động để đổi lấy thù lao không tương xứng.
Phóng viên Thời Nay trò chuyện với người lao động tại khu trọ công nhân thuộc xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An).
Trong “máy nghiền” sức lực
Ngồi trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng trọ đơn sơ chừng 10 m² ở xã Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An), chị Chế Thị Linh (quê Quỳ Hợp, Nghệ An) bối rối khi có khách gõ cửa vào một buổi chiều chủ nhật. Đôi tay đan nhau, ánh mắt chùng xuống, chị hồi tưởng lại quãng đời thăng trầm xưa cũ. Chừng hơn 10 năm trước, vợ chồng chị Linh thuộc diện có của ăn, của để với 2 ha trồng chè, cam, cao-su và nhà xưởng chế biến ở huyện Quỳ Hợp. Rồi vợ chồng mâu thuẫn, tiền của tiêu tan. Trắng tay, năm 2018, chị khăn gói ra Vinh tìm việc, được tuyển vào làm công nhân ở Nhà máy may Minh Anh (Khu công nghiệp Bắc Vinh). Từ đây, chuỗi ngày ám ảnh của chị Linh bắt đầu.
Vào làm, chị được trả lương hơn 3,8 triệu đồng, sau tăng lên hơn 4,1 triệu đồng. Nhiêu đó dĩ nhiên không đủ sống, nên chị phải làm tăng ca, cao nhất cả tháng được 6,8 triệu đồng. “Không làm cũng chẳng được, vì người ta sẽ chửi, ép tăng ca”, chị nói. Thường ngày, chị vào ca từ 7 giờ sáng, khoảng 10-11 giờ đêm về nhà trọ. Không có tiền làm thêm giờ, mọi thứ tính trên đầu sản phẩm. Đến một giai đoạn, công ty ép lao động làm thông 24 giờ từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau, cho nghỉ hai giờ rồi lại… làm tiếp (!). Không thể chịu nổi, cả tổ của chị Linh gồm sáu người đồng loạt bỏ việc.
Chị nhớ lại: “Mình bỏ ngang, chứ xin nghỉ chắc chắn người ta không cho. Lúc ấy, mình còn 20 ngày công, quy ra khoảng 5 triệu đồng, cũng phải bỏ luôn. Làm tiếp chắc chết mất!”. Giờ, chị đi làm tư, thu nhập mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Phòng trọ, điện nước khoảng gần 2 triệu đồng. Trừ ăn uống sinh hoạt, hằng tháng chị vẫn cố gắng tích cóp gửi tiền về nuôi hai con ở nhà ông bà ngoại. Chị bảo, công ty cũ ngày càng ăn nên làm ra, nghe đâu đã có đến cơ sở thứ 5 ở Nghệ An. Vòng quay của “máy nghiền” vẫn đang mở rộng…
Trên hành trình thực hiện đề tài, nhóm phóng viên Thời Nay đã nghe nhiều câu chuyện “khủng khiếp” về làm thêm giờ của công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Một lao động nữ ở huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) tâm sự: Tôi đi làm công nhân 10 năm, khi đi 50 kg, khi về còn 40 kg, không còn sức khỏe, không vốn, không chồng con... Hay một chuyện khác về lao động thiếu niên kiệt sức vì làm xuyên ba ca không nghỉ, em bị chảy máu cam, làm mọi cách mà máu cứ tuôn không ngừng.
Trong loạt bài “Bào mòn… sức lao động” đăng trên Thời Nay từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, chúng tôi đã chứng minh rằng quan điểm “Làm thêm giờ tạo ra siêu lợi nhuận” của nhà tư tưởng Karl Marx trong bộ “Tư bản” vẫn luôn đúng đến hiện tại. Chỉ khác ở chỗ sự bóc lột đã được mềm mại hóa, trở nên tinh vi hơn, vì vậy hiệu quả hơn. Về nguyên lý, khi tổ chức làm thêm giờ, chủ doanh nghiệp tận dụng được nhà xưởng, máy móc, không tăng chi phí quản lý, bảo hiểm. Vì vậy, làm thêm giờ càng nhiều, lợi nhuận của họ càng cao, hay nói cách khác là sinh ra siêu lợi nhuận.
Luật Lao động năm 2019 quy định rõ: Việc làm thêm giờ phải không quá 4 giờ/ngày; 40 giờ/tuần và 200 giờ/năm. Trong một số ngành nghề đặc biệt, số giờ làm thêm trong năm có thể tới 300 giờ. Về tiền công làm thêm giờ, luật quy định ít nhất bằng 150% vào ngày thường; ít nhất bằng 200% vào ngày nghỉ hằng tuần; ít nhất bằng 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết.
Luật là thế, nhưng thực tế khác rất xa. Võ Thúy Hà (20 tuổi, quê thị xã Thái Hòa, Nghệ An) hiện là công nhân của Công ty TNHH Luxshare-ICT (Khu công nghiệp VSIP Nghệ An). Mỗi ngày, cô đều làm việc 12 giờ, gồm 8 giờ chính thức và 4 giờ làm thêm. Hôm nào cũng vậy, cả chủ nhật, ca ngày lẫn ca đêm. “Một tháng em làm ca ngày, một tháng ca đêm, được trợ cấp 30 nghìn đồng/buổi nếu làm ca đêm. Thu nhập cao nhất khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ca ngày hay đêm cũng làm liền không nghỉ đến lúc hết ca”, Hà nói. Với tần suất làm việc như thế, một năm, trừ một số ngày lễ Tết, cô gái này có thể chạm ngưỡng… 1.400 giờ làm thêm. Còn tiền lương làm thêm giờ? Chỉ 30 nghìn đồng/buổi, ca đêm mới có.
Trong chuyến công tác tại TP Đà Nẵng đợt dịch Covid-19, nhóm phóng viên được một chủ doanh nghiệp hồ hởi “khoe” rằng, công nhân đứng chuyền của anh ta thu nhập cao nhất một tháng đến hơn 20 triệu đồng. Vì doanh nghiệp nhất quyết không tiết lộ số giờ làm thêm, chúng tôi đành tính ngược lại từ thu nhập dựa trên lương, phụ cấp, định mức để thấy muốn có hơn 20 triệu đồng trong tháng đó, người công nhân có thể đã làm ròng rã mỗi ngày… 17-18 giờ.
Tuy vậy, mọi thí dụ đều không thể so với ký ức ám ảnh của chị Chế Thị Linh ở Công ty May Minh Anh đã nói ở trên: Làm thông 24 giờ, nghỉ 2 giờ!
Theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, độ tuổi bình quân của công nhân lao động trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2 tuổi. Trong đó, tuổi bình quân của công nhân ngành điện, điện tử là 26,9 tuổi; dệt may, da giày là 29,5 tuổi; chế biến, chế tạo là 30,9 tuổi… Đáng chú ý, thời gian trung bình công nhân, lao động làm việc cho các doanh nghiệp chỉ khoảng sáu - bảy năm.
Ráo mồ hôi là… hết tiền
Chẳng cần là một chuyên gia cũng có thể nhận ra ngay, “vấn nạn” làm thêm giờ quá độ đã triệt tiêu khả năng tái tạo sức lao động của người công nhân. Càng nhiều tuổi, khi sức chịu đựng dần cạn sau thời gian dài “sống mòn” trên những dây chuyền sản xuất, lao động càng khó bám trụ với công việc. Sau cùng, họ suy kiệt và từ bỏ.
Trên lý thuyết, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp FDI rất sợ bị phát hiện vi phạm pháp luật nước sở tại, do ngoài việc bị chế tài xử lý, họ còn có thể mất những đơn hàng giá trị rất lớn với đối tác. Tuy nhiên, khi công tác quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, doanh nghiệp vẫn mặc sức cho công nhân làm thêm giờ, tạo siêu lợi nhuận và tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Vũ Ngọc Thức, Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho biết: Gần đây, thông qua cơ chế các nhãn hàng (đối tác) đánh giá nhà máy, việc kiểm soát làm thêm giờ và đóng bảo hiểm xã hội đã chặt chẽ hơn. Nhưng trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ ra chiêu “lách luật”, đó là sử dụng các công xưởng phụ, kiểu “B phẩy” trong đấu thầu xây dựng. Nhà máy chính đáp ứng mọi yêu cầu về điều kiện làm việc, giờ làm thêm, đãi ngộ…, nhưng tại các công xưởng phụ, công nhân không được ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội và làm thêm giờ… “thả cửa”.
Tại hầu hết các nơi thực hiện khảo sát về đời sống công nhân, từ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng đến Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, nhóm phóng viên Thời Nay đều được nghe một quan điểm chung từ đại diện cơ quan quản lý hoặc bảo vệ quyền lợi người lao động: “Công nhân thích làm thêm giờ”. Lý giải được đưa ra là khi làm thêm giờ, họ mới có thêm thu nhập để tích lũy, lại được bữa ăn ca miễn phí, ở công ty mát mẻ, dễ chịu hơn nhà trọ ngột ngạt…
Tuy nhiên, lại một lần nữa, điểm mấu chốt của vấn đề không được nhắc đến: Chỉ khi làm thêm giờ, người lao động mới đủ tiền để… sống.
Trên cả nước, mỗi nơi đều có mức lương tối thiểu vùng (chia 4 vùng, hiện dao động từ 3,45 triệu đồng/tháng đến 4,96 triệu đồng/tháng). Lương tối thiểu được xây dựng và áp dụng với mục tiêu không để người lao động bị trả thấp hơn mức sống tối thiểu. Nhưng thực tế, đây lại là “cái phao” để doanh nghiệp bám lấy trong ràng buộc đãi ngộ với công nhân: Họ chỉ trả lương quanh mức này, bất chấp giá trị người lao động làm ra. Với vật giá hiện thời, một công nhân thuê trọ chắc chắn không đủ trang trải cuộc sống nếu chỉ làm 8 giờ/ngày, hưởng lương ngang mức tối thiểu. Đừng nói đến gửi tiền về quê, nuôi thân còn không đủ. Làm thêm giờ, với họ, trở thành lựa chọn duy nhất.
Và khi bị những năm tháng quần quật với dây chuyền, nhà xưởng bào mòn quá nhiều sức lực, lao động lớn tuổi phải chọn con đường mưu sinh khác. Chu Đức Nguyên (huyện Yên Bình, Yên Bái) đã gắn bó Hà Nội hơn 10 năm, trong đó phần lớn thời gian làm công nhân cho một công ty cơ khí ở Khu công nghiệp Quang Minh. Làm mãi vẫn sống trầy trật, Nguyên bỏ công ty ra chạy xe ôm công nghệ. Hỏi cả quãng đời công nhân tích lũy được bao nhiêu, anh bật cười: “Làm gì có tích lũy. Cứ ráo mồ hôi là hết tiền!”.
Chung cảnh, Trần Thị Đào (Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng gắn bó gần 10 năm với công việc sản xuất đồ chơi trẻ em tại Công ty TNHH Matrix Vinh (Khu công nghiệp Bắc Vinh, Nghệ An). Đến khi tự nghỉ (năm 2018), chị chỉ có thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng, dù đều đặn làm 10 giờ/ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Lấy 30 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội, Đào về quê lập gia đình. Chồng đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, giờ chị ở nhà chăm 3 đứa con, trông vào tiền chồng gửi về. “Ở nhà vậy chứ ai gọi việc gì em cũng làm, như đi rửa bát đám cưới họ trả 10 nghìn đồng một mâm”, Đào chia sẻ.
Quay trở lại chuyện tìm… mỏi mắt không ra một công nhân ở doanh nghiệp FDI nào về hưu tại công ty, ông Cáp Văn Huynh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh lý giải: “Chế độ của doanh nghiệp FDI với công nhân đa phần đều tốt hơn quy định của ta. Nhưng người lao động ít gắn bó lâu dài vì họ thích nhảy việc. Đâu trả lương cao hơn là bỏ”.
Điều này không hoàn toàn sai, nhưng thật thiếu công bằng với người lao động khi chuyện gì cũng quy cho họ. Thực tế, làm công nhân vất vả, thu nhập thấp là lý do chính khiến nhiều người nghỉ việc. Từ đó, họ lại lao ra đời bươn chải, tuổi đã qua thanh xuân, sức khỏe đã bị bào mòn, hầu như không hành trang và tích lũy.
(Còn nữa)
Theo Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY (NDĐT)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/khoang-trong-lao-dong-sau-tuoi-35-ky-2-song-mon-voi-gio-lam-them-post319822.html