Ngày 29/3, UBND TP.HCM tổ chức khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn kết nối Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Đây là một trong những công trình được khởi công để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ là công trình có ý nghĩa quan trọng về kết nối giao thông mà còn mang tính biểu tượng kết nối, mở rộng không gian phát triển khu vực trung tâm thành phố.
Theo đó, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nối liền hai công viên, nằm ở vị trí hết sức đặc biệt ngay tại khu vực trung tâm thành phố.
Sau khi hoàn thành, cây cầu sẽ là địa điểm lý tưởng phục vụ người dân và du khách trải nghiệm, thư giãn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn cũng như cảnh quan khu vực.
Vị trí xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (hình vẽ màu đỏ). Ảnh: Mỹ Quỳnh
Cây cầu này có thiết kế độc đáo, mang hình dáng chiếc lá dừa nước, là hình ảnh thân thuộc của vùng đất Nam Bộ, phong cách ấn tượng, hiện đại, mang ý nghĩa tôn vinh nét đẹp truyền thống, hòa quyện với cảnh quan hiện đại của thành phố, kỳ vọng sẽ tạo sức hút đặc biệt với người dân và du khách đến với TP.HCM.
Phó chủ tịch TP.HCM nhận định, không chỉ vị trí xây dựng, kết cấu, kiến trúc đặc biệt, độc đáo, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn còn là một công trình rất đặc biệt khi được xây dựng với tấm lòng tri ân sâu sắc, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng của Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood.
Đơn vị này đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng cầu. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thiện vào dịp 30/4/2026, hứa hẹn sẽ trở thành một biểu tượng kiến trúc và là điểm nhấn trong không gian đô thị của thành phố.
Mô hình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được đặt tại lễ khởi công. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood chia sẻ, sự kiện khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là món quà và tấm lòng của toàn thể cán bộ nhân viên Nutifood tri ân tất cả người tiêu dùng trên cả nước đã yêu mến đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt 25 năm qua.
Ông Hải bày tỏ sự vinh dự và trách nhiệm khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung.
Lãnh đạo TP.HCM tặng hoa cảm ơn nhà tài trợ Nutifood. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Theo quy mô đầu tư được phê duyệt, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đặt tại vị trí cầu phía quận 1 tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng (cách công trường Mê Linh khoảng 125m về phía Nam) và phía thành phố Thủ Đức tại khu vực Công viên bờ sông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ngã ba đường Nguyễn Thiện Thành và N14).
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 720m, trong đó nhịp chính là vòm treo dây văng dài 187m, dầm thép và mặt cắt ngang thay đổi từ 6 - 11m.
Cầu được thiết kế với tĩnh không thông thuyền ngang 80m và cao 10m, giúp đảm bảo không gian cho giao thông đường thủy.
Phía quận 1, cầu dẫn và đường đầu cầu dài khoảng 239m. Phía TP Thủ Đức, cầu dẫn và đường dẫn đầu cầu dài khoảng 206m.
Đặc biệt, cầu sẽ được trang bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, mái che bằng vật liệu ETFE, các tiện ích công cộng như: thang máy, thang cuôn sẽ giúp khách bộ hành thuận tiện khi chiêm ngưỡng, tham quan và trải nghiệm trên cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật sẽ mang đến diện mạo hiện đại và lung linh, biến cây cầu thành một điểm đến hấp dẫn, giúp thúc đẩy du lịch và các hoạt động giải trí về đêm của TP.HCM.
Giải pháp kết cấu vòm thép không gian lần đầu áp dụng tại Việt Nam và là một trong các cầu bộ hành độc đáo, ấn tượng nhất trên thế giới.
Sau khi hoàn thành, công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng kiến trúc mới của thành phố, là nơi người dân và du khách cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa và nghệ thuật, đồng thời cũng sẽ trở thành địa điểm gần kết xã hội và thúc đẩy du lịch.
Mỹ Quỳnh