Khởi sắc Tà Rụt

Khởi sắc Tà Rụt
3 giờ trướcBài gốc
Quầy tạp hóa của chị Hồ Thị Mai tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình -Ảnh: L.T
Khi mới lập gia đình, cuộc sống 2 vợ chồng chị Hồ Thị Mai ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt gặp rất nhiều khó khăn, tài sản chẳng có gì ngoài cái sổ hộ nghèo. Dù ruộng đất có, nhưng cây trồng ngắn ngày chỉ canh tác theo truyền thống nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Một cơ hội thay đổi đến với 2 vợ chồng, khi địa phương triển khai các chương trình, dự án nhằm mục tiêu giảm nghèo cho các xã vùng sâu, miền núi nên gia đình được lựa chọn để tham gia.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, 2 vợ chồng trẻđã mạnh dạn đầu tư một quầy tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu cho bà con trên địa bàn, đồng thời, phát triển thêm chăn nuôi và trồng trọt theo kiến thức được tập huấn. Nhờ đó, đời sống gia đình vợ chồng chị Mai đã khấm khá hơn, con cái có điều kiện ăn học và trưởng thành.
“Tôi mở quầy tạp hóa từ năm 2017, lúc đầu chỉ bán các mặt hàng cơ bản, dần dần tôi đầu tư làm đại lý các loại nước uống, bán thực phẩm tươi sống phục vụ bà con hằng ngày. Ngoài ra, nhờ các dự án hỗ trợ, gia đình trồng thêm 2 ha cây lát hoa, dỗi và 5 ha keo tràm. Nhờ đó, thu nhập gia đình đã ổn định và đã thoát nghèo bền vững”, chị Mai vui mừng chia sẻ.
Nét mới trong phát triển kinh tế ở Tà Rụt hai năm trở lại đây là tỉ lệ người dân được giải quyết việc làm thông qua hình thức xuất khẩu lao động ngày càng được chú trọng. Bằng các chương trình liên kết hiệu quả, chất lượng, số lượng bà con trên địa bàn đi xuất khẩu lao động ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ... ngày càng tăng lên, tỉ lệ thuận với đó là tạo được nguồn thu nhập cao, ổn định và giúp đồng bào DTTS có thêm điều kiện thay đổi cuộc sống.
Có chồng tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nên điều kiện kinh tế gia đình chị Hồ Thị Thía ở thôn Tà Rụt 1 nay đã hoàn toàn khác trước. “Chồng tôi xuất khẩu lao động từ cuối năm 2023, trung bình mỗi tháng thu nhập hơn 30 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này đã giúp gia đình có kinh phí để xây nhà mới, trả nợ ngân hàng và lo cho con cái ăn học. Ngoài ra, đây còn là nguồn vốn quan trọng để giúp tôi ở nhà có điều kiện phát triển thêm kinh tế bằng trồng keo tràm, sắn và chuối”, chị Thía bộc bạch.
Xã Tà Rụt hiện có 7 thôn với 1.333 hộ dân/5.147 nhân khẩu. Đây là địa phương từng được coi là “khu biệt lập” nằm cách xa trung tâm huyện Đakrông hàng chục cây số. Để đến Tà Rụt, chỉ có duy nhất tuyến đường Hồ Chí Minh, nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đồng bộ, nhất là giao thông nông thôn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của Tà Rụt, tạo điều kiện để người dân giao thương, trao đổi mua bán phát triển KT-XH.
Tính riêng trong năm 2024, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng hơn 662 ha, chủ yếu là các loại cây trồng như: lúa nước, ngô, sắn, rau các loại... với sản lượng lương thực có hạt gần 600 tấn. Tổng đàn gia súc gia cầm hơn 9.400 con. Trên địa bàn hiện có 58 cơ sở kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, tính đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 39,9%.
Công tác giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian cho các tổ chức và công dân. Năm 2024, địa phương đã có 17/19 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt theo kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Bước cho biết, kết quả phát triển KT-XH của xã trong những năm qua là động lực lớn giúp Nhân dân và chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mục tiêu của xã là năm 2025 tổng thu ngân sách ở địa phương đạt trên 7,9 tỉ đồng, trong đó, thu trên địa bàn là 110 triệu đồng; giảm tỉ lệ hộ nghèo thêm 5%, tăng thêm 2 tiêu chí và 1 thôn về đích xây dựng nông thôn mới...
Với thế mạnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, cùng với đó hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế La Lay ngày càng sôi động, hy vọng đây sẽ là cơ hội để đưa Tà Rụt trở thành vùng thị tứ năng động. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực biến những cơ hội thành điểm tựa để phát triển kinh tế, nên đời sống của người dân được đổi thay rõ rệt.
Để giúp Tà Rụt đạt được những định hướng đó, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp để địa phương tiếp tục nỗ lực xây dựng xã miền núi ngày càng phát triển hơn. Đây cũng là những cơ sở, điều kiện tiên quyết hướng đến việc xây dựng đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Tà Rụt đến năm 2045 theo định hướng của tỉnh Quảng Trị.
Lê Trường
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/khoi-sac-ta-rut-193527.htm