Khốn khổ với thủ tục hành chính cấp huyện

Khốn khổ với thủ tục hành chính cấp huyện
4 giờ trướcBài gốc
Hiến đất cũng bị gây khó dễ
Nhiều năm nay, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, đều chỉ ra, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai gần như “đội sổ”. Mỗi khi thực hiện thủ tục liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cho tặng, chuyển nhượng, người dân khốn khổ thực hiện. Trong đó, nhiều quy trình, thủ tục trung gian diễn ra ở cấp huyện khiến người dân mất nhiều thời gian, chi phí đi lại.
Gia đình ông Phạm Đình Nhã (76 tuổi, quê Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) cho đến tận giờ vẫn chưa hết “đau đầu” khi nhớ lại việc làm thủ tục xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho chính mình. Ông kể lại, trong vô số thủ tục vướng mắc, nhiêu khê, có 1 điểm cán bộ Phòng Tư pháp huyện Diễn Châu hướng dẫn buộc phải làm khi lần lượt xác nhận người đã mất.
Theo đó, ông bà nội ông nếu còn sống cũng khoảng 170 tuổi cũng phải có xác nhận đã chết. Bố ông mất gần 50 năm, yêu cầu có giấy chứng tử, may quá cơ quan cũ vẫn lưu, nhưng cán bộ nói phải có chính quyền xã xác nhận.
Chưa hết, dù UBND xã đã xác nhận, gia đình vẫn phải trình ảnh chụp bia mộ. Người nhà ông đem chuyện này “mách” với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, vị này cũng chỉ biết cười trừ khi nói: “Chính tôi làm thủ tục này cũng bị vướng như thế”. Tuy nhiên, một số người khác trong tình huống tương tự nháy mắt nói: “Ai bảo đi đúng quy trình”.
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện. Ảnh: QN
Gia đình chị Trịnh Thị Nga (Yên Định, Thanh Hóa) còn gặp chuyện oái ăm hơn. Đã hiến đất cho Nhà nước mở rộng đường nhưng lại bị chính cấp huyện gây khó dễ. Năm 2022, chị Nga làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ cho mẹ ruột và bà nội. Sau khi hoàn thành giấy tờ liên quan tới phân chia, khai nhận thừa kế, chị Nga trích đo diện tích thửa đất tại văn phòng đăng ký đất đai.
Cán bộ địa chính văn phòng đăng ký đất đai phát hiện, trên bản đồ địa chính cũ tương đương GCNQSDĐ cấp năm 2010, mặt đường chỉ rộng 6m. Tuy nhiên, đến nay, do giải phóng mặt bằng, mở rộng đường tăng lên 12m (theo chủ trương chuẩn nông thôn mới) và thể hiện trên bản đồ địa chính sử dụng năm 2022.
“Cán bộ địa chính giải thích, đường mở rộng đã lấn vào diện tích đất ở trong GCNQSDĐ của gia đình tôi. Giờ để cấp lại GCNQSDĐ, gia đình tôi phải làm thủ tục xin trả lại đất cho Nhà nước. Chúng tôi sẵn sàng làm hiến đất phục vụ mở rộng đường, đường xong vài năm nay, nhưng cơ quan chức năng không làm thủ tục thay đổi diện tích, cấp lại GCNQSDĐ. Chúng tôi vừa hiến đất, vừa vất vả đi làm thủ tục”, chị Nga nói.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 705 đơn vị hành chính cấp huyện (523 huyện, 46 quận, 51 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).
Để hoàn thành thủ tục hiến đất, chị Nga về cấp xã xin mẫu đơn trả đất, kê khai, ký xác nhận và xếp hàng nộp tại bộ phận một cửa trả kết quả của UBND huyện Yên Định.
Khi hỏi lí do vì sao cơ quan chức năng vận động người dân hiến đất, nhưng không làm thủ tục thay đổi trong GCNQSDĐ cho người dân, một lãnh đạo xã cho biết, UBND huyện Yên Định làm trưởng ban quản lý giải phóng mặt bằng nên thủ tục này do huyện phê duyệt, không thuộc thẩm quyền của xã.
Sau gần 3 năm tất tả với rất nhiều lần đi lại quãng đường gần 30 km từ địa phương cư trú tới UBND huyện Yên Định, chị Nga mới hoàn thiện thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ. Trong đó, nhiều thủ tục như hợp thức giấy tờ phần diện tích hiến đất mở rộng đường do cơ quan chức năng thực hiện, nay người dân phải làm.
“Tôi ủng hộ đề xuất bỏ cấp huyện, bớt khâu trung gian để giúp giảm bớt thủ tục hành chính và chi phí cho người dân. Khoảng cách từ nhà tôi tới UBND huyện gần 30km, nhiều người già phải nhờ con cháu đưa tới làm thủ tục nhiều lần, mất nhiều thời gian, chi phí. Trong khi đó, nhiều thủ tục cấp xã có thể thực hiện và nộp hồ sơ trực tuyến trên hệ thống thay vì nộp trực tiếp”, chị Nga nói.
Chị Nga là một trong rất nhiều người dân vất vả vì thủ tục cấp huyện khi thực hiện thủ tục hành chính. Vì vậy, nhiều người dân như chị Nga mong bỏ cấp huyện để đỡ bớt vất vả khâu trung gian.
Chuyển trường học cũng phải xin huyện xác nhận
Không chỉ thủ tục đất đai, thủ tục khác như xin chuyển trường học (cho học sinh) cũng cần Phòng Giáo dục huyện (trực thuộc UBND huyện) phê duyệt khiến phụ huynh mất thêm thời gian. Chị Phạm Thị Ngọc Lan (Gia Lai) cho biết, do gia đình chuyển về quê nên chuyển địa điểm học cho con trai (về học trường cấp 2 tại Thanh Hóa).
Khi làm thủ tục, nhà trường nơi chuyển đến và chuyển đi đã đồng ý. Tuy nhiên, gia đình chị Lan phải mang giấy xin chuyển trường tới xác nhận tại Phòng Giáo dục của cả 2 huyện, tốn kém chi phí đi lại.
“Từ nhà tôi tới huyện khoảng 30km. Nhà trường đã đồng ý tiếp nhận và cho học sinh chuyển đi nhưng gia đình tôi phải xếp hàng nộp giấy xin chuyển trường vào bộ phận một cửa của UBND huyện, chờ giấy hẹn làm xong thủ tục xác nhận của huyện. Tôi mất nhiều thời gian đi lại để làm thủ tục chuyển trường cho con”, chị Lan chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều hoạt động giáo dục đã áp dụng công nghệ thông tin, nhưng thủ tục chuyển trường cho học sinh vẫn phải thực hiện hồ sơ giấy.
Ngọc Linh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/khon-kho-voi-thu-tuc-hanh-chinh-cap-huyen-post1719824.tpo