Không để chồng chéo, dàn trải trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Không để chồng chéo, dàn trải trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia
6 phút trướcBài gốc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 102.000 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương bố trí đạt gần 97.900 tỷ đồng).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu không để xảy ra khoảng trống, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới đến tháng 3/2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 77,9% (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 80%); tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6% (mục tiêu là 50%); 6 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 15 tỉnh).
Chương trình Giảm nghèo bền vững đã đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2024 là 1,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%).
Trong số 9 nhóm mục tiêu của Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 6 nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt là: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân; giáo dục; lao động qua đào tạo nghề; bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; tăng cường công tác y tế. Ba nhóm mục tiêu chưa đạt: Cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; giảm số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặt biệt khó khăn; công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.
Riêng trong năm 2025, tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia này là hơn 53.500 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng đã giao gần 30.400 tỷ đồng (gồm gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, 8.400 tỷ đồng kinh phí thường xuyên). Ước đến hết tháng 3/2025, các địa phương giải ngân 3.836 tỷ đồng vốn đầu tư công Trung ương (đạt 16%); kinh phí thường xuyên đạt 323 tỷ đồng (đạt 1,8%).
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành đánh giá kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng kinh tế-xã hội vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn; một số địa phương chưa chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí sau đạt chuẩn; việc sắp xếp tổ chức, bộ máy làm thay đổi chủ thể thực hiện, gây khó khăn cho điều hành, tổng hợp. Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, trong năm 2025, các địa phương cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững phù hợp với bối cảnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
(Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Bộ Trưởng Đỗ Đức Duy kiến nghị tích hợp 2 chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững thành 1 chương trình trong giai đoạn 2026-2030: "Về thiết kế chươn trình cho giai đoạn sau mặc dù phải tổng kết thì chúng ta mới đưa ra hướng cụ thể. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cũng đồng tình với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đó là sẽ có tích hợp chương trình, nhiều thì là 2, phần giảm nghèo sẽ tích hợp chủ yếu vào chương trình phát triển kinh tế xã họi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có thể một phần theo chương trình nông thôn mới".
Lãnh đạo các bộ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ phù hợp, tập trung cho từng đối tượng, địa bàn đặc thù, bảo đảm sự phát triển bền vững và tránh tình trạng tái nghèo; giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo việc làm cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi…
Ghi nhận các kết quả đạt được khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cho rằng: cần tổng kết những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thống nhất giải pháp tháo gỡ, quyết tâm phân bổ và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công và kinh phí thường xuyên theo kế hoạch; ban hành bộ tiêu chí mới về xây dựng nông thôn, giảm nghèo theo hướng tích hợp, giảm chồng chéo, trùng lặp. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu ở địa phương; phân định thẩm quyền, nhiệm vụ giao cho tỉnh, cho xã sau khi bỏ cấp huyện bảo đảm liên tục, không gián đoạn; xây dựng lại các tiêu chí, có bổ sung, hoàn thiện.
Để đạt được yêu cầu sử dụng hiệu quả, thiết thực, cấp bách nguồn vốn mà Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, đề xuất phân bổ nguồn vốn đầu tư, kinh phí thường xuyên còn lại dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ:
Từ khi nhận được kinh phí tôi rằng nhiều địa phương mới bắt đầu triển khai, tôi đề nghị các địa phương cần chuẩn bị thật tốt các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia để khi có kinh phí thì thực hiện được ngay.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Bộ Xây dựng trao đổi với Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí vốn để xóa nhà tạm, nhà dột nát, ưu tiên cho đối tượng người có công, gia đình chính sách. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bảo đảm bền vững, không chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm công khai, minh bạch.
Phương Thoa/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/khong-de-chong-cheo-dan-trai-trong-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post1188614.vov