Các đại biểu đoàn Quốc hội Hà Nội thảo luận về các dự án luật, chiều 7/5. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ chiều 7/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội) đề nghị không để gián đoạn dịch vụ công khi thực hiện chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7.
Không để xảy ra khoảng trống pháp lý
Đồng tình với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (dửa đổi) dù vừa có hiệu lực từ ngày 1/3/2025 sau Kỳ họp bất thường thứ 9 vừa qua, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng việc sửa đổi là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, không còn cấp huyện.
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Trần Sỹ Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến Điều 54 về Quy định chuyển tiếp. Theo ông, dự án luật này quy định chung cho chính quyền địa phương từ nay trở đi, không chỉ áp dụng cho đợt sắp xếp tinh gọn bộ máy lần này. Tuy nhiên, điều khoản chuyển tiếp lại thiết kế lẫn lộn giữa các quy định chung và riêng gây khó khăn trong thực thi. Nhiều điều khoản sau khi thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ không còn giá trị nữa. Vì thế, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo có thể đưa các nội dung cụ thể này vào nghị quyết, bởi Luật mang tính dài hạn.
Dẫn khoản 6, Điều 54 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các cơ quan thuộc Hội đồng Nhân dân, ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc…,” ông Thanh cho rằng điều này có nghĩa kể từ 0 giờ ngày 1/7/2025 khi các đơn vị hành chính cũ ngừng hoạt động và có 15 ngày để bàn giao công việc cho các đơn vị hành chính mới.
“Vậy trong thời gian này mọi hoạt động dịch vụ công thiết yếu của người dân sẽ ra sao? Tôi đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ để rà soát kỹ lưỡng khoản 6 này đảm bảo từ 0 giờ ngày 1/7/2025, các đơn vị hành chính mới hoạt động ngay lập tức, không để xảy ra khoảng trống pháp lý hoặc gián đoạn dịch vụ công,” đại biểu Trần Sỹ Thanh kiến nghị.
Liên quan đến khoản 2, Điều 11, hoặc khoản 2, Điều 34 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Sỹ Thanh cho biết dự thảo quy định sau khi ổn định, hội đồng nhân dân mới sẽ bầu chủ tịch hội đồng nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, quy định này không thống nhất với chủ trương của Đảng, vốn yêu cầu chỉ định ngay các chức danh này sau sắp xếp.
“Sự không thống nhất giữa luật và chủ trương của Đảng có thể gây khó khăn trong triển khai. Tôi đề nghị rà soát và điều chỉnh để đảm bảo đồng bộ, có thể bỏ quy định bầu chức danh tại thời điểm này để phù hợp với chỉ đạo của Đảng,” đại biểu kiến nghị.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hiện nay, tại Điều 39 của dự thảo luật có quy định về cơ cấu tổ chức của ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, quy định ủy ban cấp xã được tổ chức cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Tán thành với quy định này, đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định mở rộng thẩm quyền cho ủy ban nhân dân các đô thị đặc biệt, như Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
“Chúng ta phân biệt với quy mô một đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội thậm chí lên đến hơn 100.000 dân, việc tổ chức các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp xã là cần thiết. Ngoài ra, cần quy định thêm thẩm quyền cho cấp tỉnh có quyền linh hoạt trong cách thức tổ chức linh hoạt các cơ quan chuyên môn để làm sao phù hợp với cách thức quản lý của một đô thị đặc biệt,” nữ đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Cân nhắc quy định thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Thay vào đó, căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, Phó chủ tịch hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Liên quan tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng một vấn đề băn khoăn đó là quy định về chuyển tiếp trong của dự thảo nghị quyết về chỉ định các chức danh thuộc ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân tại các đơn vị hành chính được hình thành sau sắp xếp.
Theo nữ đại biểu đoàn Hà Nội, đây là cơ chế mới, song việc chỉ định cũng là phù hợp vì nhiệm kỳ của hội đồng nhân dân cho đến khi bầu cử nhiệm kỳ tới cũng rất ngắn, việc sắp xếp mang tính quy mô toàn quốc rất lớn, các tỉnh nhập với nhau nhiều nhất tới 3 tỉnh, cấp xã lên tới 5-7 đơn vị cấp xã nhập làm một. Vì vậy, sự thay đổi rất lớn như vậy sẽ khó có điều kiện theo dõi, đánh giá chính xác năng lực, trình độ, khả năng đảm đương công việc của cán bộ lãnh đạo ở đơn vị hành chính mới. Tuy vậy, về thẩm quyền chỉ định còn có ý kiến băn khoăn.
Theo đại biểu, khi quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban của hội đồng nhân dân cấp tỉnh là phù hợp thẩm quyền. Nhưng với cấp xã, dự thảo quy định thường trực hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban hội đồng nhân dân cấp xã và chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã… đang gây băn khoăn liên quan tới nguyên tắc quản lý hành chính, bởi theo quy định của luật, khi hội đồng nhân dân bầu ra chức danh chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên sẽ là người thực hiện thẩm quyền phê chuẩn.
“Với cấp tỉnh thì Thủ tướng phê chuẩn, nhưng với cấp xã giao toàn bộ cho thường trực hội đồng nhân dân là chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính, khác biệt so với quy định hiện hành. Do đó, kiến nghị các cấp có thẩm quyền quy định lại thẩm quyền chỉ định cho phù hợp,” đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) đề xuất ý kiến về hoàn thiện các dự thảo luật. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Liên quan tới sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cho rằng dự thảo đề nghị không quy định đối tượng chất vấn là Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, song đại biểu đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp năm 2013 vì đó là trọng trách lãnh đạo cơ quan thực thi pháp luật và phải chịu sự giám sát của Nhân dân.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk), khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định về địa vị chính trị, pháp lý của các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là "rất rõ ràng, rất cụ thể và đảm bảo theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị."
Tuy vậy, đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn địa vị pháp lý của các hội quần chúng đang thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, để đảm bảo tính đồng bộ với cơ cấu tổ chức của Đảng và Mặt trận Tổ quốc hiện nay./.
(Vietnam+)