Không để lãng phí nguồn lực các Chương trình mục tiêu Quốc gia (bài 1)

Không để lãng phí nguồn lực các Chương trình mục tiêu Quốc gia (bài 1)
2 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Kỳ vọng “cú hích” từ chương trình mục tiêu quốc gia
Đầu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) tỉnh Điện Biên chiếm 30,35%, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 38,25 triệu đồng/người/năm; hàng năm vẫn còn tình trạng người dân thiếu đói. Hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, xã hội, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu… 3 chương trình MTQG như “luồng gió” mới, được cấp ủy chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân kỳ vọng sẽ làm đổi thay bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân.
Chính quyền, người dân mong đợi
Pá Mỳ là xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé. Thời điểm năm 2022, giao thông là một trong những trở ngại lớn nhất khi chủ yếu là đường đất, mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội, sạt lở thường xuyên gây ách tắc giao thông. Đối với các tuyến đường nội bản, đường ô tô cũng mới đến được 4/10 bản (trong mùa khô). Không chỉ khó khăn về giao thông, việc phát triển kinh tế trên địa bàn xã cũng là bài toán khó trong suốt nhiều năm qua. Dù diện tích đất đai rộng, nhưng thiếu nước sản xuất khiến người dân khó canh tác, năng suất cây trồng thấp. Toàn xã mới chỉ có 6/10 bản được sử dụng điện lưới quốc gia; hầu hết các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều chưa đạt… Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 90%.
Ông Trần Mỹ Nam, nguyên Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ cho biết: Băn khoăn nhất của các thế hệ lãnh đạo xã trong suốt nhiều năm qua là nâng cao chất lượng đời sống người dân, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, để thực hiện được các mục tiêu trên là rất khó khăn, nếu như không có nguồn lực đầu tư. Khi các chương trình MTQG triển khai thực hiện từ cuối năm 2022, chúng tôi cũng như người dân trên địa bàn xã rất vui mừng, mong đợi. Bởi thông qua các chương trình, sẽ có nhiều mô hình sản xuất, xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện. Các công trình công cộng, đường giao thông, xây dựng nông thôn mới sẽ được đầu tư giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo.
Năm 2022, giao thông là trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân Pá Mỳ.
Tìa Dình là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Điện Biên Đông. Không chỉ tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2022 còn 62%), Tìa Dình còn là xã thiếu và yếu về hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện lưới quốc gia. Năm 2022, cả xã có 6/10 bản chưa có điện; 10/10 bản chưa có đường cứng hóa nối đến trung tâm xã. Đây chính là những nguyên nhân chính khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Tìa Dình vốn đã khó lại càng thêm nhiều khó khăn hơn.
Ông Tráng A Dia, Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình chia sẻ: Với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng về đường, điện còn thiếu và yếu đang là những trở ngại lớn để Tìa Dình phát triển. Vì vậy cấp ủy, chính quyền, nhân dân kỳ vọng các chương trình MTQG sẽ góp phần giúp địa phương có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững.
Sự kỳ vọng của ông Nam hay ông Dia cũng là mong mỏi của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân nhiều xã, thôn, bản. Việc triển khai các chương trình MTQG mang lại niềm tin về sự đổi thay nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Theo thống kê, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn tỉnh Điện Biên được Trung ương phân bổ thực hiện 3 chương trình MTQG gần 6.116 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 5.821 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 294,4 tỷ đồng). Vốn huy động các nguồn lực, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn để thực hiện các chương trình MTQG (đến tháng 6/2024) hơn 13.272 tỷ đồng.
Nỗ lực thực hiện
Triển khai các chương trình MTQG, tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 2 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu có 2 huyện thoát nghèo; 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo. Có khoảng 1.083 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90,27% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bình quâm mỗi năm giảm 5%; có 45 xã, 478 thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông 100%.
Triển khai các chương trình MTQG đồng bào các dân tộc thiểu số kỳ vọng có những mô hình sản xuất hiệu quả. Trong ảnh: Người dân xã Mường Nhé chăm sóc mô hình trồng sa nhân.
Để đạt mục tiêu đề ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khâu tổ chức thực hiện được tập trung, tỉnh đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương... Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng kết quả triển khai các chương trình MTQG đến nay chưa như kỳ vọng. Đơn cử như tại huyện Tủa Chùa, việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG (đối với nguồn vốn sự nghiệp) gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến các mục tiêu địa phương đề ra. Cụ thể, từ đầu giai đoạn đến nay, huyện được phân bổ hơn 486,6 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 201 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Nguồn vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới còn chậm (chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 12/19 tiêu chí). Tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo cao (đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,2%); các dự án hỗ trợ sản xuất chậm, chưa hiệu quả…
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc hỗ trợ mô hình nuôi cá lồng tại xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa.
Theo ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, bên cạnh nguyên nhân do cơ chế, chính sách thì vai trò trách nhiệm của người đứng một số cơ quan, đơn vị chưa cao. Công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ. Năng lực quản lý, điều hành của một số đơn vị được giao chủ đầu tư, nhất là ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án, tiểu dự án. Như dự án 2 (hợp phần đa dạng hóa sinh kế) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2022 huyện được bố trí gần 5,5 tỷ đồng, năm 2023 gần 8,5 tỷ đồng, nhưng đều không giải ngân được và chuyển tiếp sang năm 2024.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình MTQG, cuối tháng 9 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã giám sát việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, kết quả thực hiện chưa đạt kỳ vọng, mục tiêu đề ra.
Theo nhận định của đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, qua giám sát cho thấy đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp (đạt 20% số xã), là 1 trong 4 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Tỷ lệ giảm nghèo thiếu bền vững; nhiều địa phương lúng túng trong việc lựa chọn các mô hình hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo… đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu của các chương trình và đối tượng thủ hưởng.
Bài 2: Dự án thiếu bền vững, không hiệu quả
Bài, ảnh: Mai Phương - Văn Tâm
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218878/khong-de-lang-phi-nguon-luc-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-bai-1