Không để xảy ra khó khăn trong triển khai giảm thuế giá trị gia tăng

Không để xảy ra khó khăn trong triển khai giảm thuế giá trị gia tăng
14 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 1.7.2025 đến hết 31.12.2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long
Chính phủ được giao hướng dẫn việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Với việc giảm thuế như trên, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn, ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm các mục tiêu xuất khẩu..., việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi thẩm tra Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách là chưa thật sự phù hợp và khó đạt được mục tiêu đặt ra về kích cầu tiêu dùng vì khả năng kích cầu của chính sách đã bão hòa qua một thời gian dài thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long
Có ý kiến cho rằng, việc liên tục gia hạn và kéo dài việc thực hiện chính sách tạo tiền lệ không tốt, khiến chính sách thuế trở nên thiếu tính ổn định và không nhất quán, đặc biệt là trong bối cảnh Luật Thuế giá trị gia tăng đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành từ 1.7.2025. Ngoài ra, dư địa tài khóa, dư địa chính sách bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng ứng phó khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hơn trong tương lai…
Đánh giá phát sinh thu - chi để bảo đảm cân đối ngân sách
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 để kích cầu tiêu dùng, ứng phó với biến động phức tạp của thương mại kinh tế thế giới hiện nay. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng khác năm sau đưa đất nước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước, Chủ tịch Quốc hội có đề nghị Ủy ban Kinh tế và Tài chính phối hợp với cơ quan của Chính phủ để làm rõ con số tiết kiệm từ sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Hơn nữa, ngoài chính sách giảm thuế sẽ còn một số chính sách khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, các cơ quan phối hợp đánh giá phát sinh thu - chi để bảo đảm cân đối ngân sách, vì khi cộng lại thì con số chi phát sinh là không nhỏ so với tổng thu ngân sách.
Làm rõ vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết đã giao Bộ Tài chính tổng hợp và sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, dự kiến chi ngân sách trong năm 2025 sẽ tăng lên. Bởi khi chúng ta tinh giản bộ máy, riêng việc trả tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi khoảng 170 nghìn tỷ đồng, theo thống kê chưa đầy đủ. “Ngoài ra, cần chi khoảng 30.000 tỷ đồng giảm học phí. Sắp tới chúng ta thực hiện một số chính sách về bảo hiểm y tế, chính sách khác thì chi có thể tăng lên”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn các nước, chỉ 10%, trong khi đó 4 năm nay giảm còn 8%. Đây là một ưu tiên để bảo đảm doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch Covid-19 cũng như đối phó với việc áp một số loại thuế mới trên thế giới.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Chính phủ cần chú ý thực hiện chính sách để bảo đảm mục tiêu đặt ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc; chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi được dự toán trong năm 2025 và các yêu cầu cấp bách phát sinh, cũng như dự toán ngân sách nhà nước năm 2026… Đồng thời, đề nghị, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ tăng tính thuyết phục trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ Chín tới.
Lê Bình
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-de-xay-ra-kho-khan-trong-trien-khai-giam-thue-gia-tri-gia-tang-post411152.html