Không học thêm, học sinh làm thế nào để tự học hiệu quả?

Không học thêm, học sinh làm thế nào để tự học hiệu quả?
11 giờ trướcBài gốc
Làm thế nào để tự học hiệu quả?
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm với mong muốn giúp học sinh có nhiều thời gian cho các hoạt động khác như tăng cường kỹ năng sống, hoàn thiện hơn về thể chất lẫn tinh thần.
Bàn về Thông tư 29, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ: "Trong thông tư 29 không cấm dạy thêm nhưng riêng bậc tiểu học thì thông tư yêu cầu học sinh không học thêm văn hóa mà là học những môn nghệ thuật. Thế nhưng, mỗi học sinh có năng lực khác nhau. Có những cháu kém thật thì phải mất nhiều thời gian kèm cặp hơn. Còn đối với THCS, THPT thì đối tượng học sinh chuyển cấp cũng cần tạo điều kiện.
Trong khi học sinh chưa làm quen được với việc tự học thì cũng cần phải có một quá trình chuyển đổi. Bản thân học sinh phải hướng đến khả năng tự học. Bởi tự học mới là quan trọng nhất. Thực chất chương trình giáo dục 2018 cũng hướng đến việc tự học, lấy phát huy năng lực học sinh là trung tâm. Tự học mới giúp học sinh sáng tạo, phát huy tốt thế mạnh của mình. Phụ huynh cũng phải xem là con mình có năng lực tự học không, có phát triển hay không? Theo tôi để học sinh tự học phải đặt thêm lộ trình và kiểm tra chặt chẽ hơn."
Như vậy, để phát huy năng lực của học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm đề cao tinh thần, khả năng tự học của các em học sinh. Tuy nhiên, nhiều học sinh cũng cho biết, để tự chủ trong học tập là việc không phải ai cũng có thể làm được. Em Hoàng Nhật Minh, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết: "Khi đi học thêm, em sẽ được ôn lại kiến thức một lần nữa. Khi học ở nhà thì em phải cần sự tự giác rất cao."
Bản thân học sinh phải hướng đến cái khả năng tự học.
Theo các chuyên gia giáo dục, học sinh có thể áp dụng phương pháp dưới đây để tự học có hiệu quả:
1. Xác định rõ mục tiêu của việc tự học
Phương pháp tự học chỉ hiệu quả khi mục tiêu được đặt ra. Mục tiêu càng rõ ràng và mạnh mẽ, người học sẽ càng có động lực phấn đấu và tự giác thực hiện thay vì chờ người khác nhắc nhở.
2. Xây dựng kế hoạch tự học khoa học
Thực tế, học sinh phải học rất nhiều môn học với lượng kiến thức khổng lồ. Để tự học có hiệu quả, người học cần vạch ra mục tiêu và kế hoạch, thời gian học chi tiết cho từng môn. Ưu tiên môn học trọng tâm trước, phân bổ hợp lý thời gian học, từ đó làm chủ quá trình tự học tập, nghiên cứu của mình.
3. Chủ động tìm hiểu các tài liệu liên quan đến bài học
Để hiểu sâu bài giảng của giáo viên, người học cần chủ động tìm hiểu thêm các tài liệu liên quan đến bài học từ sách nâng cao, tài liệu trên mạng, thậm chí cả ở ngoài đời sống... Đây là một phương pháp tự học vô cùng hiệu quả giúp học sinh nắm chắc và mở rộng vốn hiểu biết của mình.
4. Tập trung ghi nhớ các thông tin, kiến thức trọng tâm
Hiện nay, học liệu cho học sinh rất phong phú. Việc học sinh có kỹ năng chọn lọc kiến thức là vô cùng quan trọng, khi đó việc ghi nhớ cũng chính xác và dễ dàng hơn. Để biết thông tin nào thật sự cần thiết, người học phải xác định đúng vấn đề và thu hẹp phạm vi cần làm sáng tỏ.
5. Rèn luyện tính kiên trì và kỷ luật khi tự học
Tự học yêu cầu sự tự giác, tự đặt ra mục tiêu và khuôn khổ cho bản thân mà không phụ thuộc vào người khác. Để phương pháp tự học đạt kết quả tốt, tính kiên trì và kỷ luật đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Hồng Thủy
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khong-hoc-them-hoc-sinh-lam-the-nao-de-tu-hoc-hieu-qua-172250222094458601.htm