Sau đây là tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.
Thủ tướng yêu cầu không làm nhà ở xã hội ở những nơi "khỉ ho cò gáy"
Ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Ngay từ đầu bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng, việc phát triển nhà ở xã hội đã được bàn nhiều, nhưng công tác triển khai vẫn chưa hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần tạo cơ chế, chính sách, kêu gọi doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nhanh chóng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Đất trong tay chúng ta, tiền có thể huy động, cơ chế, chính sách, thủ tục do ta mà việc xây dựng nhà ở xã hội không chuyển biến hoặc chuyển biến rất chậm", Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa, đuôi thẹo", những nơi "khỉ ho cò gáy", không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội. Thay vào đó, nhà ở xã hội phải được ưu tiên làm trước, sau đó mới đến nhà ở thương mại.
Ngoài ra, nhà ở xã hội phải đầy đủ điều kiện hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục, thể thao, xã hội, môi trường…) như nhà ở thương mại và phải có hình thức mua, thuê mua.
Thủ tướng cũng đề xuất tổ chức các cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội nhằm tạo ra những mẫu nhà đáp ứng điều kiện cảnh quan, văn hóa, khí hậu từng vùng miền và phù hợp với nhu cầu người dân. Đồng thời, các đơn vị có thể nghiên cứu việc xây dựng nhà ở xã hội bằng lắp ghép cấu kiện bê tông cốt thép.
Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn. Do đó, các cơ quan phải đặt mình vào vị trí của người có nhu cầu để giải quyết, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn về một số nội dung như chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội giao các địa phương; cơ chế, chính sách vướng mắc cần giải quyết; cách huy động nguồn lực; thiết kế, mẫu nhà ở xã hội; khả năng sản xuất hàng loạt…
Vingroup đăng ký xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội
Tại Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Nhà nước giao trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Đáng chú ý, hiện tập đoàn đã đăng ký từ nay đến năm 2030 xây dựng 500.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Đại diện Tập đoàn Vingroup phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, đại diện Vingroup đã đưa ra hai kiến nghị để thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội. Thứ nhất, doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng cho phép các địa phương được chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư.
Thứ hai, Vingroup mong muốn các địa phương rút ngắn thủ tục hoặc cho phép làm song song. Ví dụ, doanh nghiệp có thể cùng lúc có thể vừa làm quy hoạch, vừa làm thủ tục đầu tư xây dựng. Điều này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho chủ đầu tư và giảm bớt thủ tục hành chính.
Bên cạnh Vingroup, nhiều doanh nghiệp khác tại hội nghị cũng thể hiện rõ quyết tâm và mong muốn đóng góp công sức vào Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Phía đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, từ nay đến năm 2026, doanh nghiệp sẽ triển khai các dự án nhà ở xã hội với 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn tới năm 2030.
Một doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng là Tập đoàn Viglacera cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, tương ứng 17.200 căn hộ và đã tiến hành bàn giao 5.500 căn tại Hà Nội.
Doanh nghiệp kiến nghị xây nhà ở xã hội 4 phòng ngủ
Cũng tại hội nghị, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Kim Oanh Group đã chia sẻ thêm một số góc nhìn để phát triển nhà ở xã hội thông qua bài học các quốc gia phát triển.
Đầu tiên, các nước như Nhật, Malaysia, Singapore không giới hạn diện tích căn hộ tối đa chỉ 70 m2 với 1 - 2 phòng ngủ như Việt Nam. Họ cho xây dựng cả căn hộ 3 - 4 phòng ngủ đáp ứng nhu cầu cho các gia đình đông người, nhiều thế hệ cùng chung sống.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Kim Oanh Group phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Thứ hai, họ cho người dân đăng ký mua trước, khi đủ số lượng mới triển khai xây dựng, tránh được sự lãng phí trong đầu tư nguồn lực. Đặc biệt, Singapore có chính sách nhà ở xã hội được phân luồng theo từng mức thu nhập rất hợp lý.
“Ví dụ mức thu nhập 10 triệu thì chính sách mua nhà như thế nào, lương 20 triệu, 30 triệu thì như thế nào. Với việc phân 3 luồng thu nhập như vậy thì họ lại có chuỗi nhà ở phù hợp với điều kiện của từng nhóm dân cư. Như vậy sẽ tránh được tình trạng người khá giả lại đi ở tranh suất với người lao động bình thường. Đây là cái hay và nhân văn của họ mà chúng ta cần tham khảo”, bà Oanh nói.
Thứ ba là về chính sách hỗ trợ tài chính.Trong mỗi phân khúc nhà ở xã hội, Singapore còn áp dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau. Người có tài chính khá hơn thì được lựa chọn các sản phẩm giá cao hơn và chấp nhận được Chính phủ hỗ trợ ít hơn so với người ít tiền.
Thứ tư là chất lượng công trình phải đảm bảo. Nhà ở xã hội tại Singapore được xây dựng rất chắc chắn và có nhiều tiện ích, có thể ở được 2 – 3 thế hệ, giá trị bất động sản tăng dần theo thời gian. Trong khi đó, tại Việt Nam, một số dự án nhà ở xã hội xuống cấp nhanh, chất lượng thấp khiến người nghèo càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, bà Oanh cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu sâu mô hình nhà bê tông lắp ráp sản xuất tại nhà máy để xây dựng các dự án nhà ở cao tầng. Mô hình này vừa giúp rút ngắn thời gian thi công, nhân lực xây dựng, giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất gạch mà chất lượng đảm bảo trên 50 năm vẫn còn mới.
Hơn nữa, mô hình nhà bê tông lắp ghép cũng có thẩm mỹ rất đẹp, không gian thông thoáng và trọng lượng nhẹ nên giảm được chi phí làm móng đồng thời phù hợp với những nơi nền đất yếu, địa chất phức tạp, qua đó tiết kiệm được chi phí giá thành.
Hà Nội sẽ có khu nhà ở xã hội tập trung tại Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong năm 2025, Thủ đô sẽ hoàn thành 8 dự án nhà ở xã hội, tương ứng với khoảng 4.670 căn.
Hà Nội sắp khởi công thêm 5 dự án nhà ở xã hội trong năm 2025. Ảnh: Thanh Vũ
Mới đây, Hà Nội đã khởi công một khu nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh với quy mô 1.200 căn. Tiếp đến, thành phố sẽ khởi công thêm 5 dự án với quy mô 10.220 căn hộ. Ngoài ra, 6 dự án khác cũng đã được chấp thuận chủ đầu tư, quy mô khoảng 10.500 căn hộ.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội được giao xây dựng 37.500 căn nhà ở xã hội. Để đáp ứng chỉ tiêu trên, thành phố đã chuẩn bị 5 dự án. Đồng thời, Thủ đô sẽ tiên phong trong việc thiết lập các khu nhà ở xã hội tập trung.
“Hiện nay, thành phố đang triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung. Trước mắt đang triển khai đấu thầu và chọn nhà đầu tư với hai khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện Đông Anh, gồm Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2. Đồng thời, ba khu nhà ở xã hội tập trung còn lại tại huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới”, ông Dương Đức Tuấn chia sẻ.
Liên danh Handico, Viglacera khởi công dự án nhà ở xã hội tại Đông Anh, Hà Nội
Sáng ngày 3/3, liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Viglacera - CTCP đã khởi công dự án nhà ở xã hội CT3, khu đô thị Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội CT3, khu đô thị mới Kim Chung.
Công trình bao gồm 3 tòa nhà, cung ứng khoảng 1.104 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 3.900 người. Mức giá căn hộ chỉ là 18,4 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT 5% và phí bảo trì 2%).
Ước tính căn diện tích nhỏ nhất của dự án là 49,56 m2 sẽ có giá bán 991,904 triệu đồng. Nếu chiếu theo chính sách cho vay ưu đãi hiện nay của Nhà nước đối với nhà ở xã hội, người mua căn hộ này chỉ cần đóng 300 triệu đồng cho đợt nộp tiền đầu tiên. Ngoài ra, người mua sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo quy định pháp luật hiện hành.
Bình Định đã hoàn thành hơn 4.400 căn hộ nhà ở xã hội
Theo Quyết định số 444/QĐ-TTg, ngày 27/2/2025 của Thủ tướng về giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2030, Bình Định phải hoàn thành 12.900 căn hộ nhà ở xã hội.
Dự án Nhà ở xã hội Tân Đại Minh 2 (Lamer 2) tiếp tục mở bán đợt 17 với số lượng 260 căn.
Cụ thể, tổng số căn hộ hoàn thành giai đoạn 2025 – 2030 của Bình Định là 8.473 căn. Trong đó, năm 2025 là năm được giao chỉ tiêu nhiều nhất với 4.132 căn; các năm còn lại lần lượt là 738, 700, 913, 909, 1.081 căn.
Theo UBND tỉnh Bình Định, số lượng căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành đến hết năm 2024 (giai đoạn từ năm 2021-2024) của địa phương đạt 4.427 căn.
Riêng trong năm 2024, Sở Xây dựng tỉnh này cho biết, ngành xây dựng đã đưa vào sử dụng 1.590 căn hộ nhà ở xã hội, vượt 13,6% kế hoạch năm 2024 (kế hoạch năm 2024 là 1.400 căn).
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về chỉ tiêu nhà ở xã hội được Thủ tướng giao năm 2025, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Định khẳng định, hiện nay quỹ đất quy hoạch dành cho xây dựng nhà ở xã hội của tỉnh Bình Định là đủ điều kiện triển khai.
Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng lo lắng về đầu ra các dự án xã hội khó khăn. Bởi hiện nay, nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Định vẫn tồn kho, trong năm 2024 đã xong hơn 1.400 căn, năm 2025 hơn 4.000 căn (theo chỉ tiêu) sẽ rất khó bán.
Quý III/2025, TP.HCM đấu giá 7 khu đất "vàng"
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kế hoạch đấu giá quyền sử dụng 7 khu đất tại 5 quận, huyện. Trong đó, huyện Bình Chánh có 3 khu đất được đưa ra đấu giá.
Danh mục 7 khu đất được đưa ra đấu giá cụ thể như sau:
- Nhà, đất tại số 453/82 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 (diện tích 66,2 m2), quy hoạch đất ở đô thị.
- Khu đất tại số 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6 (diện tích 29.877 m2) đã có nhiệm vụ quy hoạch 1/500 Khu cao ốc hỗn hợp nhà ở kết hợp văn phòng làm việc và thương mại dịch vụ, khách sạn với diện tích 227.800 m2.
- Nhà, đất tại số 402/3 Hồng Bàng, phường 16, quận 11 (diện tích 377,2 m2) quy hoạch đất dân cư hiện hữu cải tạo.
- Nhà, đất Bệnh viện Bình Chánh (cũ), thuộc thửa 258, tờ bản đồ số 27, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (diện tích 14.455 m2), quy hoạch phần lớn diện tích đất nhóm nhà ở xây dựng mới thấp tầng.
- Khu đất tại số 84/4A Khu phố 3, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức (diện tích 15.281 m2) trong đó, 12.699 m2 có chức năng quy hoạch đất ở xây dựng mới, 1.921 m2 có chức năng quy hoạch trường học, 659,5 m2 thuộc quy hoạch đất giao thông.
- Khu đất phía Bắc tại Khu dân cư 13E - Khu chức năng 13, Khu đô thị mới Nam Thành phố xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (diện tích 1.802 m2), quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ, kinh doanh văn phòng.
- Khu đất phía Nam tại Khu dân cư 13E - Khu chức năng 13, Khu đô thị mới Nam Thành phố xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (diện tích 2.464 m2), quy hoạch là trung tâm thương mại, kinh doanh văn phòng.
UBND TP.HCM giao các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong quý III/2025.
Thanh Vũ