Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sáng 19/5
Sáng 19/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định “thành lập các Tòa chuyên trách gồm Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực”.
Đại biểu Nga cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực. Bởi thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này không lớn. Thậm chí, tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm.
Do đó, nếu thành lập Tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực có thể không hợp lý, sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này trong bối cảnh hiện nay vẫn thấp. “Có thể bố trí thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm các vụ việc về phá sản hoặc sở hữu trí tuệ thay vì tổ chức thêm tòa chuyên trách sẽ phù hợp với thực tiễn hơn”, đại biểu Nga nêu ý kiến.
Về quy định một trong những điều kiện để được xem xét bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là “có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc đưa ra tiêu chuẩn về độ tuổi cứng như vậy là chưa thực sự hợp lý và cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Độ tuổi không thể là thước đo phản ánh năng lực, phẩm chất hay kinh nghiệm. Nhiều cán bộ, thẩm phán trẻ tuổi nhưng rất tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm xét xử phong phú, từng giải quyết nhiều vụ án lớn và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
“Việc giới hạn tuổi tối thiểu sẽ có thể dẫn tới bỏ sót người có đủ tiêu chuẩn, năng lực nhưng tuổi đời chưa đủ theo quy định để bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy không nên quy định tiêu chuẩn độ tuổi từ 45 trở lên như dự thảo mà chú trọng đến các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, thời gian công tác, kinh nghiệm xét xử, đạo đức nghề nghiệp để lựa chọn người có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao” đại biểu Nga phân tích.
Về nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần rà soát, sửa đổi nội dung này trong các luật tố tụng để bảo đảm thống nhất, tránh chồng lấn, mâu thuẫn giữa các luật.
PV