Michael Tompkins, nhà tâm lý học của trung tâm Trị liệu nhận thức khu vực Vịnh San Francisco (Mỹ) cho biết rất ít người thực sự trải nghiệm một cuộc sống không lộn xộn.
Dù một số người có thể coi bừa bộn là dấu hiệu của sự lười biếng, thực tế có nhiều lý do, trong đó có lý do sức khỏe tâm thần.
ADHD và khó khăn trong tổ chức cuộc sống
Terry Matlen - nhà trị liệu tâm lý và tác giả cuốn sách "Nữ hoàng phân tâm" cho biết, vô tổ chức và sự rối loạn trong không gian sống là một dấu hiệu phổ biến ở người trưởng thành mắc ADHD (rối loạn tăng động/giảm chú ý). Họ thường gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, duy trì sự chú ý và hoàn thành nhiệm vụ.
Tiến sĩ Tompkins cho biết, người mắc ADHD dễ bị phân tâm đến mức không thể hoàn thành những việc đơn giản như cất chìa khóa đúng chỗ. Khi các nhiệm vụ bị ngắt quãng bởi những yếu tố không quan trọng, không gian sống trở nên lộn xộn mà bản thân họ không ý thức được điều đó.
Natalie Christine Dattilo, nhà tâm lý học và giảng viên tại trường Y Harvard, cho biết người mắc chứng ADHD khó thực hiện những nhiệm vụ ít quan tâm hoặc không có thời hạn. Các công việc gia đình như gấp đồ giặt hay cất bát đĩa thường rơi vào loại đó.
Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels
Trầm cảm, lo âu và kiệt sức
Sự bừa bộn cũng có thể phản ánh trạng thái tâm thần suy giảm. Tiến sĩ Natalie Christine Dattilo, giảng viên Trường Y Harvard, giải thích: “Không gian sống có thể là tấm gương phản chiếu nội tâm. Người bị trầm cảm thường thiếu năng lượng, động lực và khả năng tổ chức dẫn đến việc buông xuôi trong sinh hoạt hàng ngày.”
Động lực đến từ vùng não liên quan đến phần thưởng và khi bị trầm cảm, vùng này hoạt động yếu đi khiến các công việc như dọn dẹp trở nên quá sức. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra sự bừa bộn trong nhà có thể do mức cortisol, loại hormone gây căng thẳng cao. Vì vậy, cảm giác chán nản hay lo lắng không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà một ngôi nhà bừa bộn còn có thể khiến ta căng thẳng và choáng ngợp hơn.
Stress do biến động cuộc sống
Những giai đoạn chuyển tiếp như sinh con, ly hôn, chuyển nhà hay thay đổi nội tiết tố cũng có thể làm suy giảm khả năng tổ chức. Ngay cả những người vốn ngăn nắp cũng có thể trở nên bừa bộn khi bị căng thẳng tâm lý xã hội.
Matlen cho biết việc trở thành cha mẹ, đặc biệt khi mắc ADHD, là một thử thách lớn: “Bạn phải chăm sóc người khác trong khi việc chăm sóc chính mình đã khó khăn. Thêm vào đó là tiếng trẻ khóc, nhu cầu hàng ngày và sự bừa bộn đi kèm khiến bạn dễ rơi vào tình trạng quá tải.”
Ký ức và cảm xúc cản trở
Theo giáo sư Joseph Ferrari (Đại học DePaul), việc dọn dẹp đôi khi gây căng thẳng về mặt cảm xúc vì nó buộc ta đối mặt với ký ức. Những món đồ như vé xem hòa nhạc, quà lưu niệm hay vật dụng cũ có thể khơi gợi ký ức tích cực hoặc tiêu cực khiến người ta trì hoãn quyết định giữ hay bỏ.
Tính cách và xu hướng cá nhân
Tính cách cũng đóng vai trò trong mức độ ngăn nắp. Người có mức độ tận tâm thấp thường dễ tính, ít bận tâm đến sự lộn xộn và thiếu định hướng rõ ràng trong việc sắp xếp không gian sống. Dù không nhất thiết là vấn đề nghiêm trọng, điều này vẫn ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự trật tự trong sinh hoạt.
Trì hoãn ra quyết định
Nhiều người bừa bộn thường thiếu quyết đoán. Vì do dự, mọi người thường không đưa ra lựa chọn. Nếu không muốn đưa ra quyết định về nơi để những món đồ nhất định hoặc nên cho đi hay giữ lại chúng, họ sẽ né tránh khiến tình trạng lộn xộn không thay đổi.
Ảnh minh họa/Nguồn: Getty
Làm sao biết sự bừa bộn đã trở thành vấn đề?
Ai cũng có lúc sống trong một không gian lộn xộn. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận biết khi nào sự bừa bộn vượt qua giới hạn thông thường và bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Có một số dấu hiệu cho thấy sự bừa bộn đã trở thành vấn đề thực sự như khi nó khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc khó chịu, cản trở sinh hoạt hàng ngày, làm xấu đi các mối quan hệ xung quanh hoặc ảnh hưởng đến tài chính chẳng hạn như phải chi tiền mua lại những món đồ bị thất lạc trong mớ hỗn độn.
Nếu thường xuyên đến trễ vì mất thời gian tìm đồ hoặc không thể thoải mái sử dụng không gian sống vì quá nhiều đồ đạc, đó là lúc cần xem xét lại. Một số nghiên cứu còn cho thấy nhà cửa bừa bộn có thể làm giảm cảm giác hài lòng với cuộc sống và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Tuy vậy, mỗi người có một ngưỡng chịu đựng sự lộn xộn khác nhau. Nếu sự bừa bộn không gây khó chịu cho bản thân và những người cùng sống thì đó có thể chỉ là một phần trong phong cách sống cá nhân, không nhất thiết là vấn đề cần sửa chữa.
Trong trường hợp cảm thấy mình đang vật lộn với sự mất trật tự, hãy cân nhắc tìm đến dịch vụ tổ chức dọn nhà chuyên nghiệp. Còn nếu nghi ngờ bản thân đang gặp phải vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu hoặc ADHD, đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia để được đánh giá và hỗ trợ phù hợp.
Phương Anh (Theo Huffpost)