Vấn đề này đã được đề cập tại Hội thảo "Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam", do Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) tổ chức chiều 18-2.
Một góc Nhà máy Điện gió Lạc Hòa (tỉnh Sóc Trăng).
Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang theo xu hướng tăng mạnh qua từng năm. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 cũng như hướng tới mức tăng hai con số trong những năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng ở cấp độ cao.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng thiếu điện, phải nhập khẩu điện từ nước ngoài. Để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tháng 2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TƯ về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết số 55-NQ/TƯ xác định “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.
Chính phủ, cơ quan chức năng đã và đang chủ động tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển năng lượng để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, chia sẻ gánh nặng của ngân sách, tranh thủ và phát huy tối đa, kịp thời nguồn lực xã hội…
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Điện lực năm 2024 với nhiều nội dung tiến bộ, ủng hộ doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng là một ví dụ, thể hiện rõ chủ trương đa dạng hóa nguồn lực trên tinh thần minh bạch, bình đẳng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân, nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp.
Nhận diện những giải pháp
Nhu cầu vốn đầu tư theo Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030 là 13,5 tỷ USD/năm; giai đoạn 2031-2050 là 20-26 tỷ USD/năm. Song, những dự báo mới đây cho thấy, nhu cầu về năng lượng đang tăng rất mạnh và vì vậy cần có lượng vốn cao hơn những con số nói trên. Điều đó có nghĩa là cần thêm nhiều nguồn vốn đầu tư hơn, trong đó Chính phủ chủ trương thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để huy động vốn cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, cần giải quyết các vấn đề chính sách và pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau, giúp nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án. Nguồn vốn trong nước cần được ưu tiên bằng cách thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu xanh.
Cũng theo các chuyên gia, khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng đối mặt với nhiều rủi ro, vì nhu cầu vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, trong khi đó khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên khả năng để tiếp cận nguồn vốn là vô cùng khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1% thì điện phải tăng trưởng 2%. Do đó, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện là rất quan trọng. Tuy nhiên, có một số cản trở phải tìm cách xử lý, trong đó cản trở đầu tiên là thiếu cơ chế giá điện cạnh tranh và minh bạch. Cơ chế mua bán điện thiếu hấp dẫn khi vai trò độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là rất lớn. Việc đầu tư điện nói chung, điện mặt trời hay điện gió cần nguồn vốn lớn trong khi tiếp cận vốn trong nước khó, lãi suất cao và tiếp cận vốn nước ngoài cần sự bảo lãnh của Chính phủ. Hệ thống truyền tải điện chưa theo kịp sự phát triển. Ngoài ra, rủi ro pháp lý về chính sách còn là một thực tế bên cạnh thủ tục hành chính phức tạp; sức ép từ các cam kết quốc tế về môi trường…
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia kiến nghị, Chính phủ cần có các giải pháp khuyến khích tất cả các doanh nghiệp sử dụng năng lượng có hiệu suất, tiết kiệm nhất chứ không hẳn chỉ đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Các chính sách nên khuyến khích nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào tất cả các loại hình điện như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân, điện khí...
Giải quyết tốt các vấn đề chính sách và pháp lý sẽ tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Hồng Sơn - Triệu Hoa