Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Kịch bản này bắt nguồn từ thực tế rằng Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, tòa án liên bang ít được biết đến tại New York, có thể ra phán quyết với các vụ việc liên quan đến luật thương mại và thuế quan.
Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ tổ chức phiên điều trần vào ngày 13/5, để xem xét vụ kiện liên quan đến việc ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) năm 1977 nhằm áp đặt hàng loạt thuế quan mới trong tháng 4 và sau đó tạm hoãn chúng đối với khoảng 60 đối tác thương mại trong vòng 90 ngày.
Luật năm 1977 trao cho tổng thống thẩm quyền để ứng phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia. Nhưng Tổng thống Trump là ông chủ Nhà Trắng đầu tiên sử dụng luật này để áp thuế, vốn là quyền mà Hiến pháp Mỹ giao cho Quốc hội. Tờ Politico dẫn nhận định của các học giả pháp lý cho biết có khả năng thẩm phán sẽ coi động thái như vậy là bất hợp pháp.
Vào ngày 22/4, 5 doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ cáo buộc thuế quan của Tổng thống Donald Trump là hành vi giành quyền lực bất hợp pháp và thúc giục tòa án thương mại liên bang ngăn chặn chúng.
Nguyên đơn cho rằng Tổng thống Trump đã vi phạm Hiến pháp và hy vọng Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ chấp thuận đề nghị của họ ban lệnh cấm tạm thời trước khi tháng này khép lại.
Nếu tòa án chấp thuận yêu cầu của nguyên đơn, về việc ban hành lệnh cấm khẩn cấp, điều này có thể làm đảo lộn tiến trình đàm phán thương mại mà chính quyền Tổng thống Trump đang gấp rút hoàn tất với hàng chục quốc gia.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nhận định của Bộ Tư pháp cho rằng vụ kiện nên bị bác bỏ vì nguyên đơn không chịu tổn hại bởi mức thuế quan mà họ chưa thanh toán, và bởi chỉ có Quốc hội, không phải doanh nghiệp tư nhân, mới có thể phản đối tình trạng khẩn cấp quốc gia do tổng thống ban bố theo IEEPA.
Hơn nữa, theo Bloomberg (Mỹ), Tổng thống Trump chắc chắn sẽ kháng cáo nếu có bất kỳ phán quyết nào chống lại chính sách thuế quan của ông, và nhiều khả năng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ là bên đưa ra phán quyết cuối cùng. Chính phủ Tổng thống Trump lập luận rằng các mức thuế này là hợp lý vì xuất phát từ tình trạng khẩn cấp chính đáng, và tòa án không có thẩm quyền xem xét quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ trong vấn đề này. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu ủy ban thương mại hủy bỏ vụ kiện.
Tổng thống Trump vào ngày 2/4 công bố áp mức thuế cơ sở 10% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4, cùng các mức thuế đối ứng nhằm vào từng quốc gia là đối tác thương mại của nước này từ ngày 9/4.
Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trừ Trung Quốc. Nhà Trắng giải thích việc này là dành thời gian cho các cuộc đàm phán thương mại, và trong thời gian này, mức thuế chung 10% vẫn có hiệu lực.
Ngày 8/5, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi Nhà Trắng công bố mức thuế quan toàn diện vào tháng trước. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trong vòng một tháng tới, Mỹ sẽ công bố hàng chục thỏa thuận thương mại mới. Ông Lutnick cũng khẳng định Washington vẫn sẽ duy trì mức thuế suất cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia.
Đến ngày 12/5, sau các cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva, Thụy Sĩ, giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng), hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí tạm thời giảm mạnh các mức thuế trả đũa. Mỹ đồng ý hạ thuế từ mức 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cam kết giảm từ 125% xuống còn 10%. Thỏa thuận này đánh dấu sự hạ nhiệt sau nhiều tuần leo thang căng thẳng.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc