Kịch bản và hậu quả tiềm tàng với Trung Đông sau 1 năm xung đột Israel - Hamas

Kịch bản và hậu quả tiềm tàng với Trung Đông sau 1 năm xung đột Israel - Hamas
13 phút trướcBài gốc
Tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trên bầu trời Jerusalem ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Một năm sau cuộc giao tranh bùng nổ giữa Israel và Hamas (ngày 7/10/2023), Trung Đông đang đối diện với những diễn biến phức tạp và nguy cơ xung đột lan rộng. Như nhận định của Murat Yeşiltaş, Giáo sư chính trị quốc tế tại Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Khoa học xã hội Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), các bên tham gia ngày càng gia tăng cường độ chiến tranh, và nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến toàn khu vực trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Với sự can dự của nhiều bên khác nhau và sự leo thang mạnh mẽ của Israel, khu vực này có thể đối mặt với một tương lai bất ổn hơn nữa.
Vòng xoáy leo thang nguy hiểm
Từ cuối tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 năm nay, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công quyết liệt vào các vị trí của Hezbollah tại Liban (Lebanon), giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cùng với nhiều chỉ huy cấp cao của phong trào này. Đồng thời, Israel còn nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tại Liban và Syria, cùng với các vị trí do nhóm Houthi kiểm soát ở Yemen. Những hành động này giúp Israel củng cố sức mạnh răn đe, tạo ra lợi thế tạm thời trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, tình hình biến động nhanh chóng khi Iran đã trả đũa bằng cách phóng 200 tên lửa đạn đạo vào Israel tối 1/10 vừa qua. Động thái này khiến Israel gặp khó khăn trong việc phòng thủ, với một số tên lửa đã trúng các mục tiêu quan trọng của Israel. Các hệ thống phòng không của Israel không thể vô hiệu hóa tất cả các tên lửa, bằng chứng là các hình ảnh thu được, chứng minh rằng Iran có thể xâm nhập vào các cơ sở quân sự và dân sự quan trọng của Israel nếu họ muốn.
Cuộc chiến không chỉ dừng lại ở Gaza hay Liban, mà đã lan rộng khu vực. Israel đã ném bom cảng Hodeidah của Yemen và tiếp tục các cuộc tấn công vào các lực lượng thân Iran tại Syria. Israel cũng tỏ ra quyết liệt hơn khi tiến hành một cuộc tấn công "có hạn chế" trên bộ vào miền Nam Liban nhằm tạo ra một vùng đệm an ninh.
Nhưng cuộc tấn công tên lửa của Iran đã chứng minh rằng họ có khả năng phản công mạnh mẽ và không bị ràng buộc trong các lựa chọn quân sự. Việc sử dụng tên lửa siêu vượt âm cùng tên lửa đạn đạo của Iran cho thấy vũ khí tấn công của Tehran khá đa dạng và phơi bày điểm yếu của Israel, quốc gia không có chiều sâu địa lý và chủ yếu dựa vào ưu thế công nghệ. Điều này đẩy Israel vào thế phải cân nhắc kỹ lưỡng trước bất kỳ động thái quân sự nào tiếp theo, đặc biệt là khi nguy cơ bị Iran tấn công tiếp tục tăng lên.
Với Iran, nước này ít nhất đã xoa dịu một phần những nghi ngờ của các lực lượng thân Tehran trong khu vực xuất hiện trong những tuần gần đây. Điều này có nghĩa là Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh của mình chống lại các đối thủ trong khu vực khi cần thiết. Mặc dù vậy, Iran vẫn gặp khó khăn trong việc cung cấp "một chiếc ô an ninh" cho các lực lượng dân quân gần gũi của họ.
Có hai vấn đề quan trọng cần chú ý trong chiến lược leo thang. Một là quy mô leo thang và vấn đề còn lại là tính bền vững của nó. Một hành động quân sự luôn gây ra phản ứng và khiến các bên rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi leo thang. Tính bền vững chủ yếu liên quan đến năng lực và khả năng phục hồi.
Về cả hai vấn đề, Israel và Iran đều có những thế tiến thoái lưỡng nan và hạn chế. Việc Israel tiến thêm một bước trong cuộc chiến đa mặt trận có thể khiến nước này dễ bị Iran tấn công hơn, trong khi việc Iran leo thang có thể kéo Mỹ chuyển từ thế phòng thủ sang thế tấn công hỗ trợ Israel. Trong trường hợp này, quá trình leo thang có thể dẫn đến hành động tấn công lẫn nhau trên quy mô toàn diện.
Nimrod Goren, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Mỹ, nêu quan điểm: "Israel đã tuyên bố sẽ đáp trả, nhưng bất kỳ phản ứng nào cũng sẽ phụ thuộc vào mục tiêu mà Israel muốn đạt được - họ muốn định hình lại một trật tự khu vực mới hay tập trung vào Liban?".
Những hậu quả tiềm tàng
Tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran có thể kéo theo một cuộc xung đột lớn hơn với sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực. Mỹ, trong khi kêu gọi kiềm chế, lại đồng thời hỗ trợ ngầm cho các hành động của Israel. Điều này có thể đẩy khu vực vào vòng xoáy xung đột liên quốc gia, đặc biệt nếu Israel quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân hoặc quân sự của Iran. Trong kịch bản đó, Iran sẽ phản công mạnh mẽ, và các cuộc tấn công có thể lan rộng ra toàn khu vực, nhắm vào các cơ sở năng lượng và hạ tầng dân sự quan trọng của cả hai bên.
Hơn nữa, cuộc xung đột này còn có nguy cơ tác động đến các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những nước có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa từ Iran hoặc các nhóm vũ trang khác trong khu vực.
Cho đến nay, việc lặp lại các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa năm 2019 vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia, để đáp trả các áp lực trừng phạt của Mỹ đối với Iran, có vẻ khó xảy ra, xét đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia cũng như UAE. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Các căn cứ của Mỹ tại Iraq và Syria cũng có vẻ dễ bị tổn thương hơn nhiều so với trước đây.
Việc Israel nhắm mục tiêu vào các vị trí của Hezbollah và các lực lượng thân Iran ở Liban và Syria cũng có thể làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng đối với Syria.
Một trong những yếu tố đáng chú ý trong cuộc xung đột hiện nay là sự thay đổi chiến lược của Israel. Thay vì quay trở lại trạng thái ban đầu, trước cuộc tấn công của Hamas vào năm 2023, Israel dường như đang theo đuổi một chính sách mạnh bạo hơn, tìm cách tạo ra sự thay đổi vĩnh viễn về mặt lãnh thổ và chính trị tại Gaza và Liban. Việc kiểm soát Gaza, tạo vùng đệm tại Liban và nhằm làm suy yếu của các lực lượng vũ trang phi nhà nước như Hezbollah, thể hiện rõ ràng mục tiêu trên của Israel.
Trái ngược với chính sách này, Iran đang cố gắng duy trì trạng thái nguyên trạng trong khu vực, dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, việc quay trở lại tình trạng trước cuộc xung đột Israe - Hamas ngày càng khó khăn hơn đối với Iran, đặc biệt là khi Israel ngày càng quyết đoán hơn trong các hành động quân sự. Trong bối cảnh đó, Iran có thể phải điều chỉnh chiến lược của mình, tập trung vào việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của Tehran.
Tóm lại, kịch bản cho Trung Đông sau một năm xung đột Israel - Hamas là rất phức tạp và đầy rủi ro. Sự leo thang giữa Israel và Iran, cùng với sự tham gia của các quốc gia khác trong khu vực, đẩy toàn bộ Trung Đông vào một tình thế nguy hiểm. Nếu không có sự kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao, nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện giữa các quốc gia khu vực là rất cao.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Dailysabah.com/energyintel.com)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kich-ban-va-hau-qua-tiem-tang-voi-trung-dong-sau-1-nam-xung-dot-israel-hamas-20241007110540112.htm